Học tập Bác về đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" 

“Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” là đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Truyền thống đó được hun đúc xuyên suốt chiều dài lịch sử Việt Nam kể từ buổi đầu dựng nước và giữ nước cho đến ngày nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta đã phát huy cao độ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, ra sức thực hiện công tác Thương binh - Liệt sĩ, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Kể từ ngày 27/7/1947, Ngày Thương binh - Liệt sĩ đầu tiên trong cả nước, đến nay đã 75 năm trôi qua, nếu tính từ bài viết đầu tiên “Thư gửi các chiến sĩ Nam Bộ và Nam phần Trung Bộ” (12.1945) có đề cập đến “các anh chị em đã đem xương máu ra để giữ lấy từng tấc đất của Tổ quốc” đến Di chúc, tổng số bài viết, bài nói cuả Bác là 52 bài.

Những bài viết, bài nói của Bác chứa đựng những tình cảm sâu sắc đặc biệt của Người dành cho các Thương binh - Liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng. Người chỉ rõ: "Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí đã chịu ốm yếu, què quặt”. Tình cảm của Bác thể hiện đậm nét trong từng câu, từng chữ:” Cách mấy ngày trước, họ là những thanh niên lành mạnh, vui vẻ, oanh liệt. Trải qua những ngày ăn gió nằm sương, những trận mưa bom, bão đạn, họ bị tay què chân cụt, họ hóa ra thương binh. Họ đã hy sinh cho ai?

Cách mấy ngày trước bố mẹ họ nhận được tin tức, đang mong cho đến ngày kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công, họ sẽ trở lại quê hương, một nhà đoàn tụ. Ngày nay bố mẹ họ đã mất một người con yêu quý. Vợ trẻ thơ trở nên bà ghóa. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ. Họ đã hy sinh cho ai?

Thương binh và tử sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào”. Hồ Chí Minh coi những con người đó là anh hùng dân tộc, họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, vật chất họ mất nhưng tinh thần họ sẽ luôn sống với non sông Việt Nam. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên họ.

Trên cơ sở hiểu biết thương binh, liệt sĩ và gia đình của họ như vậy, Bác Hồ nêu rõ nhiệm vụ của mọi tầng lớp Nhân dân đối với công tác thương binh, liệt sĩ. Người nhắc nhở “ Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Theo Người, mỗi năm đến ngày 27.7 là “Ngày Thương binh, tử sĩ”, Nhân dân có dịp tỏ lòng biết ơn những chiến sĩ đã hy sinh xương máu cho Tổ Quốc, cho đồng bào.

Bác Hồ coi việc quan tâm tới thương binh, gia đình liệt sĩ phải là nghĩa vụ, trở thành một phong trào sâu rộng gắn với trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức, các đoàn thể phụ nữ, thanh niên, nhi đồng, các giới và các tầng lớp đồng bào. Đây không phải là việc “làm phúc” theo “thời vụ”, mà phải “giúp lâu dài chứ không phải chỉ giúp một thời gian”.

Ngày 27.7.1950, trong Thư gửi Ban Tổ chức Trung ương ngày thương binh, Bác viết “Ngày 27 tháng 7 là một ngày kỷ niệm. Mỗi năm đến ngày ấy, thì những người ái quốc Việt Nam càng tưởng nhớ đến anh em thương binh, tưởng nhớ đến các gia đình tử sĩ, tưởng nhớ đến những người vô danh anh hùng, họ đã góp phần xương máu cho cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta.

Càng tưởng nhớ đến những con người dũng cảm của Tổ quốc, thì mọi người càng phải thêm hăng hái thi đua làm tròn nhiệm vụ... Năm nay, Chính phủ không mở lạc quyên cho ngày ấy. Nhưng tôi mong rằng các đoàn thể văn hóa, công nhân, nông dân, phụ nữ, nhi đồng và các bộ đội hoặc đến an ủi thương binh và gia đinh tử sĩ, hoặc viết thư hỏi thăm, ai sẵn quà gì thì biếu quà ấy để tỏ lòng thương mến”.

Không phải chỉ quan tâm, giúp đỡ, mà tất cả chúng ta “phải noi theo các gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy”. Trong buổi lễ kỷ niệm ba mươi năm ngày thành lập Đảng (5.1.1960), Bác nói: “ Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ, và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”.

Điều đặc biệt là Bác Hồ luôn coi “Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi mất một đoạn ruột”. Vì vậy, Người không chỉ kêu gọi đồng bào quan tâm tới thương binh, mà chính Người là tấm gương sáng, nói đi đôi với làm, xung phong gương mẫu thực hiện nhiệm vụ đó một cách thiết thực, để toàn dân noi theo một cách tự nguyện. Bắt đầu từ ngày thương binh toàn quốc lần thứ nhất (7.1947), Người đã “xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127 đồng). Từ đó trở đi, nhiều năm tiếp theo, cùng với việc gửi thư với những lời thân ái, trân trọng thăm hỏi ân cần, Người tiếp tục gửi tiền lương và các thứ đồ dùng khác như khăn mặt, quần áo... mà đồng bào các nơi đã biếu Người để góp vào quỹ, làm quà cho anh em thương binh.

Bác Hồ với các thương binh ở Trại điều dưỡng

Đó là những việc làm hợp với đạo lý làm người của con người Việt Nam, nên nhanh chóng trở thành phong trào sâu rộng, mang lại những kết quả tốt đẹp trong quần chúng nhân dân.

Bên cạnh khẳng định bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với Nhân dân, Bác Hồ đồng thời nhấn mạnh thái độ, trách nhiệm của các thương binh “những người tàn nhưng không phế”. Bác căn dặn anh em thương binh phải biết ơn sự chăm sóc của đồng bào; “ phải hòa mình với nhân dân, tôn trọng nhân dân; phải tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật. Chớ bi quan, chán nản, phải luôn luôn cố gắng. Đã là quân nhân cách mạng thì bao giờ cũng phải là chiến sĩ anh dũng. Nghĩa là mọi lúc, mọi nơi, lúc ở trại cũng như lúc ra trại, về sản xuất nông nghiệp hay làm ở công sở, nhà máy... đều phải hăng hái tham gia. Đặc biệt là phải giữ gìn kỷ luật, đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giữa anh em thương binh với nhau, giữa thương bệnh binh với cán bộ, nhân viên ở trại, giữa thương bệnh binh với đồng bào; giữ vững truyền thống tốt đẹp và vẻ vang của quân đội cách mạng.

Bác Hồ đã không bỏ qua bất kỳ một thành tích nào của anh em thương binh, gia đình liệt sĩ. Người có những hình thức biểu dương, khen ngợi, động viên kịp thời. Người coi đó là những điển hình rất tốt. “Nó chứng tỏ rằng anh em thương binh đã tiếp tục và phát triển truyền thống anh dũng trong thời kỳ kháng chiến vào trong công cuộc xây dựng hòa bình, và các gia đình liệt sĩ cũng cố gắng để góp phần vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc, xây dựng CNXH”. Bác cũng nhắc các cơ quan, đoàn thể chấp hành chu đáo chính sách của Đảng và Chính phủ đối với thương binh và liệt sĩ để anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ được ổn định hơn nữa trong công tác và đời sống.

Bác Hồ đã đi xa 53 năm, thực hiện lời căn dặn của Người trong Di chúc: “Đầu tiên là công việc đối với con người”, đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình; đối với các liệt sĩ; đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sĩ, Đảng và Chính phủ đã ra sức thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ với một tinh thần nhân văn và ý thức trách nhiệm cao trên một quy mô rộng lớn.

Lễ thăp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hướng Hóa

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), xác định rõ trách nhiệm và các hoạt động thiết thực nhằm khơi dậy, phát huy tiềm năng to lớn của cả xã hội để chăm lo tốt hơn, nâng cao đời sống, vật chất tinh thần của người có công với cách mạng, để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu cho cho Tổ quốc, đồng thời ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ kính yêu, Đảng bộ và Nhân dân huyện Hướng Hóa đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động và phong trào quần chúng như: "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa”, "Chăm sóc người có công", "Chăm sóc, tu sửa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ, phần mộ các liệt sĩ", “Xóa đói giảm nghèo”.... Huyện đã tổ chức thăm tặng quà của Chủ tịch nước cho 1.538 đối tượng thuộc diện được tặng quà với số tiền 471 triệu đồng; thăm tặng quà cho 750 đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn trị giá 393 triệu đồng; Tổ chức chi trả tiền trợ cấp thờ cúng Liệt sĩ cho 448 thân nhân, người thờ cúng Liệt sĩ với tổng số tiền là 228.500.000 đồng; Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm thăm, tặng quà cho: 2.447 đối tượng chính sách người có công với tổng trị giá: 1.012.000.000 đồng;  tiến hành khởi công, bàn giao 43 nhà tình nghĩa, hỗ trợ xây nhà ở cho các đối tượng chính sách, người có công khó khăn về nhà ở với trị giá: 3.460.000.000 đồng.

Đại diện Lãnh đạo huyện trao quà cho các đối tượng, gia đình chính sách nhân dịp 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ  27/7/2022

Quan tâm thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, kịp thời đề nghị UBND tỉnh khen thưởng 01 tập thể; 01 cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào Đền ơn đáp nghĩa và 07 người có công tiêu biểu tham dự Hội nghị biểu dương người có công toàn tỉnh; đề nghị, giới thiệu 01 gương người có công tiêu biểu tham dự Hội nghị Biểu dương người có công toàn quốc.

Hàng năm cứ đến dịp 27/7, là dịp chúng ta có những việc làm thiết thực hướng về cội nguồn, về cách mạng và kháng chiến, tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, quý trọng các danh nhân văn hóa, đền ơn đáp nghĩa những người có công, đây không chỉ là việc làm có ý nghĩa mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân nhất là thế hệ trẻ về công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, hướng về đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.

Hồ Thúy Vinh
loading....