PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA, LỊCH SỬ, TIỀM NĂNG, LỢI THẾ ĐỂ KHE SANH VỮNG BƯỚC TIẾN LÊN SAU 40 NĂM TRƯỞNG THÀNH, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN 

Khe Sanh mảnh đất giàu truyền thống cách mạng gắn liền với lịch sử huyện Hướng Hóa và tỉnh Quảng Trị anh hùng. Ngược dòng lịch sử, tên gọi Khe Sanh xuất phát từ phát âm tiếng Vân Kiều, Pa Kô là “Xe Re” thành “Khe Sanh”. Cũng có thể tên Khe Sanh theo nghĩa: khe (suối), sanh (sinh) có nghĩa là khe này mang lại nguồn sống sinh sôi, nảy nở nên gọi là “Khe Sanh” hoặc khe có nhiều cây Sanh nên gọi là Khe Sanh. Suối Khe Sanh – một nhánh bắt nguồn từ xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Hướng Linh, Tân Thành (vùng Ku Vơ ngày nay) chảy qua thôn Xa Rường, Ruộng, Xe Re  - Hướng Tân, Đại Thủy - Tân Liên, khối 4 – Khe Sanh; nhánh thứ 2 bắt nguồn từ vùng đồi Chia Riêng (điểm du lịch Khe Sanh Valley farm ngày nay), chảy về hồ Huyện (hồ Tân Độ), hồ Nông trường, qua Khối 1, 2, 3B, gặp nhánh chính tại cầu Khe Sanh, rối chảy xuôi qua làng Pa Nho, khối 4, 5, 6, hòa với khe Húc Ván (xã Húc); qua bản Cheng – Tân Liên, bản Cồn, Tân Sơn, Tân Trung – Tân Lập, làng Troài – Tân Long (suối La La) trước lúc đổ ra sông Sê Pôn (biên giới Việt - Lào).

Cư dân tại Khe Sanh: (1) là cư dân đồng bào Vân Kiều, Pa Kô sinh sống từ lâu đời nay thuộc Làng Chánh, Làng Khoai, Pa Nho, Xe Re (Khối 1, 2, 3A, 3B, 5, 6, 7 ngày nay). (2) Vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1894 – 1919), đã cho xây dựng con đường số 9 nối Việt Nam – Lào – Thái Lan qua địa danh Khe Sanh, nhận thấy Khe Sanh là vùng đất đỏ Bazan màu mở và khí hậu ôn hòa rất thích hợp cho phát triển cây công nghiệp nhất là cây cà phê, cùng với sự thuận tiện về giao thông và nguồn lao động địa phương, người Pháp đã thành lập các đồn điền cà phê Chiary (cà phê Mít) trên đất Khe Sanh, với hệ thống 3 đồn điền: Rôm, Philip, Poilane, lúc này hình thành giai cấp công nhân lao động trong các đồn điền, đến năm 1941 phong trào công nhân đấu tranh chống áp bức, bóc lột của thực dân pháp và chủ đồn điền phát triển mạnh, Tỉnh ủy Quảng Trị cử đồng chí Lê Xích (Lê Hành) lên gây dựng cơ sở cách mạng và thành lập tổ chức Đảng là Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hướng Hóa tại đồn điền Rôm (làng Khoai) thuộc thôn Lương Lễ xã Tân Hợp (ngày nay), để lãnh đạo phong trào cách mạng trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa. (3) Một bộ phận Nhân dân từ đồng bằng (chủ yếu là Cam Lộ) di cư tự do lên buôn bán, làm ăn, dần dần sinh cơ lập nghiệp, lập thành làng Thượng Văn và làng Trung Thuận (khối 3A, 3B, Khối 4 ngày nay). (4) Trong kháng chiến chống Mỹ, Khe Sanh được quân Mỹ chọn nơi đây làm Chi khu quân sự Hướng Hóa, một trong 3 căn cứ quan trọng của Mỹ trên đỉnh Trường Sơn án ngự đường Hồ Chí Minh và đường 9 (căn cứ Làng Vây, căn cứ Tà Kơn, căn cứ Chi khu quân sự Khe Sanh) tạo nên thế chân kiềng vững chắc hòng ngăn chặn tuyến chi viện của hậu phương Miền Bắc cho chiến trường Miền Nam và làm bàn đạp tấn công ra Bắc và sang Lào. (5) sau ngày 30/4/1975 Miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, 2 huyện: Nam Hướng Hóa, Bắc Hướng Hóa sáp nhập trở lại thành huyện Hướng Hóa, các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể chuyển từ các căn cứ về chọn Khe Sanh làm trung tâm huyện lỵ; với đầy đủ hệ thống chính trị, bộ máy hành chính cấp huyện và các cơ quan, đơn vị của Trung ương, của Tỉnh, cán bộ tập kết, học sinh miền Nam ra Bắc học tập, làm việc nay trở về quê hương, cán bộ từ các huyện đồng bằng (Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ Triệu Phong, Hải Lăng) tăng cường cho huyện, những sinh viên, trí thức trẻ các trường đại học, cao đẳng trong cả nước và cán bộ mọi miền của tổ quốc hội tụ về Hướng Hóa cùng với Nhân dân, khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết xây dựng quê hương. (6) Sau năm 1975 với tầm nhìn và tư duy chiến lược của Đảng, một bộ phận Nhân dân xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong lên xây dựng kinh tế mới thành lập xã Tân Độ (khối 1, 2 ngày nay). (7) năm 1978, thực hiện chủ trương của Đảng thành lập Nông trường cà phê Khe Sanh[2], đến năm 1993 Nông trường giải thể nên chuyển phần lớn các hộ dân là cán bộ, công nhân viên Nông trường sáp nhập vào thị trấn Khe Sanh (Khối 1). Năm 1984, thực hiện “Ý Đảng, lòng Dân”, Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) ban hành Quyết định hợp nhất thị trấn Khe Sanh với xã Tân Độ thành thị trấn Khe Sanh ngày nay.

Về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, Khe Sanh nằm trên đỉnh Trường Sơn, là nơi thuận lợi bậc nhất để cho con đường 9 xuyên Á đi từ Đông sang Tây, nơi giao cắt, hội tụ giao thông các hướng Đông – Tây, Nam - Bắc đổ về. Ở độ cao hơn 400m so với mực nước biển, có miền đất đỏ Bazan, hệ thống suối, ao, hồ, ruộng nước, rừng thông nhân tạo phong phú, Khe Sanh có thiên nhiên ưu đãi, có nhiều cảnh quan tươi đẹp, khí hậu ôn hòa, mát mẻ và trồng được rất nhiều loài hoa, quả, vì vậy Khe Sanh có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử, điều kiện tự nhiên nên được ví như tiểu Đà Lạt ở miền Tây Quảng Trị.

Về văn hóa - lịch sử, Khe Sanh là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của các dân tộc anh em Vân Kiều, Pa Kô, Kinh, hội đủ truyền thống cách mạng, yêu nước, đoàn kết, cần cù, thông minh, sáng tạo, nghĩa tình ... Địa danh Khe Sanh đi vào thơ ca, như: Bài hát “Bình Trị Thiên khói lửa”, “Tiếng đàn Ta Lư”, “Quảng trị yêu thương”, “Đường 9 chiến thắng”, “Bài ca Hướng Hóa” ... hay trong bài thơ “Nước non ngàn dặm” của nhà thơ Tố Hữu có đoạn: “Xe lên đường 9 cheo leo, Hố bom đỏ mắt, trắng đèo bông lau, Cây khô, chết chẳng nghiêng đầu, Nghìn tay than cháy rạch màu trời xanh, Trưa nồng, gà gáy Khe Sanh, Tà Kơn dứa mật, hoa chanh ngát đồi”... Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước địa danh Khe Sanh được cả nước, cả thế giới biết đến với chiến dịch đường 9 - Khe Sanh năm 1968. Các hãng tin lớn trên thế giới đều đưa tin từng ngày về chiến sự Khe Sanh, tổng thống Mỹ - JonSon lúc bấy giờ cho đắp sa bàn Khe Sanh tại Nhà trắng để theo dõi hàng ngày và cho rằng “Ném cả, danh dự nước Mỹ vào Khe Sanh”, trong bài nhận chức của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2010 cũng nhắc đến địa danh Khe Sanh.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quyết tâm chiến lược của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, từ đêm 20/01/1968, quân và dân ta tổ chức tiến công tập đoàn phòng ngự Đường 9 - Khe Sanh, buộc quân đội Mỹ phải tăng cường lực lượng cơ động tinh nhuệ để đối phó. Trải qua 170 ngày đêm chiến đấu gian khổ, quyết liệt, ngày 09/7/1968, Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh kết thúc thắng lợi; ta đã phá tan hệ thống phòng thủ chiến lược của Mỹ trên Đường số 9, tiêu diệt một bộ phận quân trọng sinh lực địch, giải phóng huyện Hướng Hóa, giữ vững tuyến đường chi viện Bắc - Nam; tạo điều kiện cho hướng tiến công chiến lược chủ yếu đánh vào các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam. Thắng lợi của Chiến dịch là sự tổng hợp của nhiều yếu tố; trong đó, vấn đề tổ chức, sử dụng lực lượng có vai trò hết sức quan trọng. Trong bức điện khen ngày 13/7/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cuộc thắng lợi của ta ở Khe Sanh tỏ rõ mưu lược và sức mạnh vô địch của quân, dân và cán bộ ta, nó góp phần xứng đáng vào thắng lợi to lớn của toàn miền Nam từ đầu năm đến nay. Cùng với những thắng lợi của ta ở các chiến trường khác, nó mở đường cho những thắng lợi to lớn hơn nữa”. Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh, Xuân - Hè 1968 mang tầm vóc và ý nghĩa chiến lược quan trọng, gây chấn đồng nội tình nước Mỹ và thế giới, viết nên “một câu chuyện thần kỳ”, góp  phần đảo lộn thế chiến lược của địch trên chiến trường, giáng đòn nặng nề vào ý chí xâm lược của giới cầm quyền Nhà Trắng; trở thành biểu tượng sức mạnh, ý chí quyết tâm và lòng tự hào của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trải qua 40 năm kiến thiết, xây dựng, trưởng thành, đổi mới và phát triển, từ đống tro tàn của chiến tranh để lại, nhưng với tinh thần phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, đồng sức, đồng lòng của các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân thị trấn Khe Sanh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để vững bước đi lên cùng với huyện nhà, xứng đáng với niềm tự hào là huyện Anh hùng trong kháng chiến và Anh hùng trong lao động. Đến nay, tổng giá trị sản xuất của thị trấn năm 2023 đạt 593 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 44,6 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo 5,69%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, theo hướng thương mai, dịch vụ, du lịch ngày càng tăng (hiện nay chiếm 65%); văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện đáng kể, diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc, dáng dấp đô thị văn minh, hiện đại, đô thị xanh, đô thị du lịch ngày càng hiện thực; quốc phòng, an ninh luôn được đảm bảo, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh toàn diên. Tuy nhiên, để Khe Sanh phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành đô thị hiện đại, văn minh, đô thị xanh, đô thị du lịch. Xin được tham gia đóng góp một vài ý kiến tâm huyết như sau:

- Đẩy mạnh phát triển kinh tế, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, nhất là trên lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch, nông nghiệp, tăng cường áp dụng khoa học – kỹ thuật để phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ công nghệ cao, sạch.

- Chú trọng công tác quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành nghề, quy hoạch du lịch. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch đồng bộ, gắn với thường xuyên chỉnh trang đô thị và công tác giải phóng mặt bằng hiệu quả.

- Đẩy mạnh đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng hiện đại như: giao thông, điện, nước, thông tin, trường học, y tế, điểm văn hóa, vui chơi, thể dục, thể thao, cảnh quan môi trường xanh, sáng, sạch, đẹp.

- Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng đô thị thông minh, khu phố thông minh, giao thông thông minh, an ninh thông minh, cơ quan, trường học thông minh ...; vận động Nhân dân tham gia mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, nhà ở thông minh.

- Quan tâm công tác khuyến học, khuyến tài, giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chính sách gia đình có công, chính sách xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, Kinh,  xây dựng làng, bản, khối, xóm văn hóa, cơ quan văn hóa, gia đình văn hóa. Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, không có tội phạm và tệ nạn xã hội. Hướng tới Khe Sanh là nơi đáng sống là điểm đến du lịch hấp dẫn.

- Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, điều hành, quản lý của chính quyền, hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy truyền thống đoàn kết, dân chủ, đổi mới, chú trọng công tác cán bộ - yếu tố có ý nghĩa quyết định. Cần có chính sách, cơ chế đặc thù đối với Khe Sanh, có nghị quyết chuyên đề riêng của Huyện ủy đối với Khe Sanh. Cần có chính sách thu hút đầu tư vào dịch vụ, du lịch, công trình, dự án lớn nhằm tạo điểm nhấn và bệ đỡ cho Khe Sanh bứt phá.

- Đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” phát huy ý chí tự lực, tự cường, năng động sáng tạo, khơi dây khát vọng phát triển của cán bộ và Nhân dân thị trấn, xây dựng thị trấn ngày càng giàu đẹp, văn minh, ấm no, hạnh phúc.

Nguyễn Quang Hưng-UV BTV, TB Tuyên giáo Huyện ủy, GĐ TTCT huyện
loading....