XÂY DỰNG HƯỚNG HÓA THÀNH HUYỆN MIỀN NÚI KIỂU MẪU 

Đó là lời căn dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn vào mùa xuân năm 1977, trong chuyến về thăm quê hương Quảng Trị, Tổng Bí thư đã trực tiếp đến thăm, động viên đồng bào Vân kiều, Pa Cô và Nhân dân các huyện đồng bằng lên xây dựng kinh tế mới ở huyện miền núi Hướng Hóa. Lời căn dận của Tổng Bí thư Lê Duẩn xây dựng Hướng Hoá thành huyện miền núi kiểu mẫu luôn là mục tiêu, động lực tiếp thêm sức mạnh để Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Hướng Hoá nỗ lực phấn đấu trong sự nghiệp tái thiết và dựng xây quê hương.

Một góc thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa

Sau ngày giải phóng, từ bãi chiến trường hoang tàn đổ nát, với vết tích của chiến tranh một thời hủy diệt, dày đặc hố bom, đạn pháo, vật liệu nổ và lau lách, cỏ dại, cơ sở vật chất, hạ tầng thấp kém, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật, đói nghèo thường xuyên hoành hành, trình độ dân trí thấp, các hủ tục lạc hậu tồn tại. Phát huy truyền thống cách mạng, ý chí tự lực tự cường, truyền thống lao động cần cù sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Hướng Hoá đã đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế từng bước làm cho Hướng Hoá thành huyện miền núi kiểu mẫu trở thành hiện thực.

 Thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn, từ tình hình thực tiễn của địa phương, trãi qua các kỳ đại hội, Đảng bộ Hướng Hoá đã xác định đúng đắn phương hướng, mục tiêu phát triển cho từng thời kỳ, tập trung lãnh đạo, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh đem lại những thành tựu nổi bật đáng tự hào.

Trên lĩnh vực kinh tế, vận dụng quan điểm, chính sách đổi mới của Đảng đã làm thay đổi mạnh mẽ tư duy kinh tế, nếp nghĩ, cách làm, tạo ra ý chí quyết tâm và nguồn sức mạnh to lớn trong cán bộ và Nhân dân tập trung chuyển đổi nền kinh tế vốn mang nặng yếu tố tự cung, tự cấp, lạc hậu sang nền kinh tế hàng hóa. 

 Xuất phát từ tiềm năng, lợi thế về đất đai, thời tiết khí hậu, cùng với tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân khai hoang đất bằng, làm thuỷ lợi sản xuất lúa nước 2 vụ, nhằm đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ cho người dân, với sản lượng lương thực có hạt hằng năm đạt từ 9.000 đến 10.000 tấn. Huyện Hướng Hoá đã quy hoạch các vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến và tạo ra một số sản phẩm mang tính đặc thù, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu như: Cà phê, hồ tiêu, tinh bột sắn, cao su… Đến nay, toàn huyện có hơn 4.300 ha cà phê cho thu hoạch; trên 5.000 ha sắn, với sản lượng hơn 72.000 tấn sắn củ tươi, đạt doanh thu trên 150 tỉ đồng; 1.161,3 ha cao su, 235,5 ha hồ tiêu; 4.346 ha cây ăn quả, trong đó hơn 3.500 ha cuối, mỗi năm tạo ra khối lượng hàng hoá nông sản khá lớn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động… Việc đầu tư phát triển kinh tế trang trại, gia trại đã khai thác và sử dụng có hiệu quả về đất đai, giải quyết việc làm cho người dân, góp phần quan trọng tăng tỷ lệ hộ khá, giàu trên địa bàn. Công tác định canh, định cư đã được tập trung chỉ đạo có hiệu quả. Đến nay huyện đã hoàn thành việc định canh, định cư cho 100% thôn, bản; huyện đã tiếp nhận và bố trí dân các huyện đồng bằng lên xây dựng kinh tế mới sống xen kẽ với bà con dân bản trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống, cùng xây dựng làng bản ngày một đổi thay. Công tác bảo vệ và phát triển rừng luôn được chú trọng, hạn chế được tình trạng đốt rừng làm rẫy trên địa bàn. Nhờ vậy tổng giá trị giá trị sản xuất hàng năm đều tăng. Năm 2021 đạt hơn 38.000 tỉ đồng, tăng 135% so với năm 2020, trong đó nông - lâm nghiệp - thuỷ sản đạt 1.048 tỉ đồng; công nghiệp - xây dựng đạt 29.908 tỉ đồng; thương mại - dịch vụ 7.307 tỉ đồng; thu nhập bình quân 38,06 triệu đồng/người/năm.

   chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa

Cùng với phát huy nguồn lực tại chỗ, thực hiện phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, huyện đã tích cực tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, của trung ương, tập trung đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội, tác động trực tiếp và sâu sắc đến mọi mặt đời sống Nhân dân. Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng của huyện, nhất là các lĩnh vực giao thông, điện, thủy lợi, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, chỉnh trang đô thị đã được tăng cường đáng kể. Điện lưới Quốc gia phủ khắp toàn huyện, tỷ lệ hộ dùng điện 100%, 100% số xã được kiên cố hóa trường học. Hệ thống thông tin liên lạc được phát triển mạnh về quy mô và chất lượng. Đặc biệt, mạng lưới giao thông được xây dựng, nâng cấp, kết nối thông suốt giữa đường xã, đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ. Giao thông đi lại thuận lợi, tạo điều kiện phát triển các ngành nghề, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và đem đến cơ hội đổi đời, thoát nghèo, vươn lên làm giàu của Nhân dân nhất là các xã vùng sâu, vùng xa. Hàng ngàn km đường đã được thảm nhựa, bê tông hóa; các công trình  thuỷ điện Quảng Trị,  các dự án điện gió triển khai ở các xã Hướng Linh, Hướng Phùng, Hướng Tân, Húc, Tân Lập, Tân Liên, thị trấn Khe Sanh, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hoá, Nhà truyền thống Văn hoá Vân Kiều - Pa Kô, Khu Văn hoá tâm linh…đã được đầu tư xây dựng. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên bức tranh sống động, biểu hiện sinh động nhất về một diện mạo mới của một huyện miền núi kiểu mẫu.

  Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đều có những chuyển biến tích cực. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo có bước phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ cho dạy và học được tăng cường, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng, vững chắc. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân luôn được quan tâm, nhiều năm qua, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Công tác xoá đói, giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo, huy động được mọi tầng lớp nhân dân tham gia với nhiều cách làm phong phú, sáng tạo; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên về mọi mặt, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều và chuẩn mới còn 29,69%. Các hoạt động nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn trở thành nét đẹp văn hoá, ngày càng lan toả trong Nhân dân. Bằng các nguồn vốn huy động từ quỹ tình nghĩa, qũy vì người nghèo và các chương trình, dự án, các cá nhân, đơn vị. Đến nay huyện đã đầu tư nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ huyện và xóa nhà tạm bợ, dột nát cho các đối tượng chính sách, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Hoạt động thể dục - thể thao diễn ra sôi nổi; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá được triển khai sâu rộng, được mọi tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Công tác quốc phòng - an ninh luôn được tăng cường củng cố và ổn định, công tác đối ngoại luôn được chú trọng góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

  Cùng với tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Công tác xây dựng Đảng luôn được chú trọng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng cao, quản lý điều hành của chính quyền, hoạt động của mặt trận và các tổ chức đoàn thể ngày một hiệu quả; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.

   Những thành tựu đạt được trong hành trình kiến thiết và xây dựng quê hương Hướng Hoá, bên cạnh, sự quan tâm chỉ đạo và giúp đỡ có hiệu quả của trung ương, của tỉnh; sự chia sẻ ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; đặc biệt lời căn dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn luôn là mục tiêu, động lực tiếp thêm sức mạnh để Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Hướng Hoá cùng đồng tâm, hiệp lực, vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng quê hương Hướng Hoá thành huyện miền núi kiễu mẫu.

Nguyễn Đình Phục
loading....