Từng bước ngăn chặn tình trạng tảo hôn ở Hướng Hóa 

Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tại huyện Hướng Hóa đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên tảo hôn ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện vẫn còn xảy ra, làm suy giảm chất lượng giống nòi, gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng đến sự phát triển KT - XH của địa phương. Vì vậy, huyện đã đề ra nhiều giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn tình trạng tảo hôn.

Tuyên truyền phòng, chống tảo hôn cho đồng bào dân tộc thiểu số 

Hướng Hóa có gần 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức còn hạn chế. Để nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn, huyện Hướng Hóa đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh Dân số, chiến lược dân số, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Triển khai thực hiện các chính sách, hoạt động liên quan đến quyền lợi của trẻ em. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nói không với nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tảo hôn vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều người dân còn giữ những quan niệm, thành kiến, hủ tục, tập quán lạc hậu, trong đó, tình trạng lấy vợ, lấy chồng sớm vẫn còn nhiều.

 

Nguyên nhân chủ yếu của tảo hôn là do tục bỏ của sớm, tục thách cưới, hứa hôn, cưỡng ép hôn mang tính gả bán; tâm lý của nhiều gia đình muốn sớm có nhiều con cháu, có người nối dõi; kết hôn sớm để có thêm lao động phụ làm nương rẫy, dòng tộc muốn giữ tài sản trong gia đình mà không phải mang của cải sang họ khác. Bên cạnh đó, nghèo đói, thất học, thiếu hiểu biết về pháp luật đã khiến nhiều gia đình để con em mình lấy vợ, lấy chồng sinh con sớm; công tác tuyên truyền, vận động ở một số địa phương về phòng, chống tảo hôn chưa được quan tâm đúng mức. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương vẫn còn chưa sâu sát, chưa toàn diện về thực hiện công tác trẻ em cũng như các chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tảo hôn trên địa bàn. Vẫn còn tình trạng khoán trắng cho ngành y tế; lao động, thương binh - xã hội, tư pháp, đặc biệt là ở cơ sở. Mặt khác, cơ chế chính sách trong hôn nhân và gia đình còn một số bất cập, nhất là trong chế tài xử lý những trường hợp vi phạm chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh để răn đe.

 

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của UBND các xã, thị trấn và các cơ quan, ban, ngành chức năng, giai đoạn 2016 - 2020 tỉ lệ tảo hôn trên địa bàn huyện dao động từ 16,6 - 21,36%; có 692 cặp tảo hôn. Những địa phương có số cặp tảo hôn báo động như: Lao Bảo, Khe Sanh, Thanh, Thuận, Lìa, Hướng Linh… Hậu quả của tảo hôn rất nặng nề như đánh mất cơ hội của trẻ vị thành niên trong học tập, việc làm, cơ hội cải thiện điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe vị thành niên, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; các bà mẹ trẻ bị ảnh hưởng đến sức khỏe do cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, sinh con ở tuổi vị thành niên có nguy cơ tử vong đối với mẹ và trẻ sơ sinh cao; ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, suy giảm giống nòi, chất lượng nguồn nhân lực... Đó cũng là những lực cản đối với sự phát triển KT - XH bền vững của địa phương.

 

Trước thực trạng nói trên, UBND huyện đã xây dựng đề án “Giảm thiểu tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Hướng Hóa giai đoạn 2021 - 2025”. Mục tiêu của đề án là nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tạo sự đồng thuận trong xã hội trong việc ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS. Cụ thể, phấn đấu 100% lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị - xã hội, trưởng thôn, bản, người có uy tín trong cộng đồng và Nhân dân được cung cấp thông tin nội dung của đề án và các văn bản pháp luật liên quan. 100% lãnh đạo chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, trưởng cấp thôn, người có uy tín trong cộng đồng, những hộ gia đình có con em trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên ký cam kết thực hiện nội dung của đề án. 100% người trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên, học sinh tại các trường THCS và THPT hiểu biết về Luật Hôn nhân và Gia đình, các văn bản liên quan đến trẻ em, bình đẳng giới và hậu quả tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Giảm bình quân 10 - 15%/năm số cặp tảo hôn đối với các xã vùng DTTS có tỉ lệ tảo hôn cao; đến năm 2025 phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn trong vùng DTTS.

 

Để đạt được mục tiêu nói trên, đề án đề ra các giải pháp tích cực như tăng cường và phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống tảo hôn thông qua các nghị quyết, kế hoạch và cách làm cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng xã, thị trấn. Phát huy vai trò của mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS xóa bỏ hủ tục, trong đó có những hủ tục liên quan đến tảo hôn. Phân công, gắn trách nhiệm của các huyện ủy viên phụ trách xã, thị trấn, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đỡ đầu các xã, thị trấn trong việc phối hợp, hướng dẫn các xã trên địa bàn huyện, đặc biệt là các xã có tỉ lệ tảo hôn cao xây dựng và hoàn thiện Quy ước “Thôn không có tảo hôn”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để nắm bắt, có hướng xử lý kịp thời.

loading....