Huyện miền núi biên giới Hướng Hóa (Quảng Trị) là địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô và sau năm 1975, một bộ phận dân các huyện đồng bằng: Vĩnh Linh, Hải lăng, Triệu Phong… lên xây dựng kinh tế mới. Đến nay toàn huyện hiện có hơn 90 nghìn dân, trong đó đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô chiếm gần 50% dân số, sinh sống phân bổ ở 21 xã, thị trấn. Vùng đất này có vị trí chiến lược quan trọng: Có đường Hồ Chí Minh huyền thoại đi qua, có huyết mạch đường 9 nối liền với các nước Thái Lan, Lào Mianmar. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Hướng Hóa là vùng căn cứ địa cách mạng, nơi trực tiếp chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Vì thế trong những năm chiến tranh, chiến sự đã diễn ra vô cùng ác liệt. Mặc dầu lúc ấy, đời sống đồng bào Vân Kiều, Pa Kô đang đói cơm, lạt muối, nhưng với tấm lòng thủy chung, sắt son theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng, đồng bào các dân tộc Hướng Hóa đã đồng cam cộng khổ, đóng góp sức người, sức của cùng với quân và dân cả nước giành độc lập cho nước nhà. Đặc biệt trong chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, xuân hè 1968, quân và dân các dân tộc Hướng Hóa đã sát cánh cùng các Quân đoàn, Sư đoàn, Binh chủng vây, lấn, tấn, diệt các cứ điểm quân sự của địch và làm nên chiến thắng Khe Sanh, nức lòng đồng bào cả nước và có tiếng vang lớn trên thế giới. Nhiều địa danh ở Hướng Hóa như: Đường 9, Khe Sanh, Làng Vây, đồi Động tri, Tà Cơn, suối La La… đã trở thành bản anh hùng ca trong những năm đánh Mỹ. Ghi nhận những cống hiến đó, nhiều tập thể và cá nhân ở huyện Hướng Hóa đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quí. Các xã Ba Tầng, A Túc, Hướng Lập, Hướng Phùng, Hướng Sơn, Công an huyện, lực lượng vũ trang huyện, Đồn Biên phòng Cù Bai được tặng danh hiệu anh hùng… Toàn huyện hiện có 1.662 đối tượng chính sách đang chi trả hàng tháng, trong đó 02 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 289 thương binh, 361 bệnh binh, 360 người có công cách mạng, 332 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hoá học, 22 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày, 293 người hưởng chế độ tuất, phục vụ. Nhằm bù đắp phần nào và làm vơi đi sự mất mát hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ, các đối tượng thương, bệnh binh, các gia đình có công với cách mạng và Mẹ Việt Nam anh hùng. Thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc và chính sách “đền ơn đáp nghĩa” của Đảng và Nhà nước. Tuy trong điều kiện của huyện miền núi biên giới còn nhiều khó khăn. Song Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Hướng Hóa luôn đẩy mạnh hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Hàng năm cứ mỗi độ xuân về, tết đến hay những ngày lễ lớn của dân tộc, lễ hội của quê hương, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện đều tổ chức lễ viếng, đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm tỏ lòng thành kính biết ơn sự hy sinh không tiếc máu xương của các anh hùng, liệt sĩ vì độc lập tự do của Tổ quốc, hiện yên nghĩ nghìn thu ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện. Huyện Hướng Hóa cũng đã phân bổ nhiều đoàn bao gồm các đồng chí lãnh đạo huyện đi thăm, tặng quà các đối tượng chính sách ở các xã, thị trấn. Để giúp đỡ gia đình khó khăn, cùng với chi trả trợ cấp kịp thời, các chế độ chính sách, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, các xã, thị trấn đã nhận phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, tuyên truyền vận động các hộ chính sách sinh sống ở các bản làng vùng sâu, vùng xa về định canh định cư ở hai bên trục lộ giao thông, ưu tiên cấp đất sản xuất, trợ giúp vốn vay ưu đãi, hỗ trợ giống loại cây trồng, vật nuôi, ngày công để các hộ gia đình chính sách có điều kiện phát triển kinh tế. Nhờ những nỗ lực cố gắng của các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức, đoàn thể và sự vươn lên của mỗi gia đình mà đời sống của các hộ gia đình chính sách trong huyện được nâng lên rõ rệt. Hiện nay không còn hộ đói, hộ khá giàu ngày một tăng, cá biệt không ít hộ như hộ thương binh Hồ Mơ ở xã A Dơi, thương binh Võ Phước Ất ở xã Hướng Phùng, bệnh binh Hồ Văn Xang ở thị trấn Khe Sanh, bệnh binh Pả Hiền ở xã Thuận…đã trở thành những tấm gương tiêu biểu với nghị lực vượt khó, làm kinh tế giỏi để mọi người học tập làm theo. Thông qua sản xuất ruộng nước, trồng cà phê, hồ tiêu, trồng cao su, trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò đàn mà đời sống kinh tế gia đình của các gia đình chính sách ngày một khá giả, có của ăn của để, tạo dựng nhà cửa khang trang, sắm sửa các tiện nghi sinh hoạt gia đình đắt giá.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện tham dự Lễ viếng tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Hướng Hóa
Đi đôi với trợ giúp các gia đình chính sách khó khăn phát triển kinh tế, thiết thực xóa đói, giảm nghèo, vươn lên khá giàu. Những năm qua huyện Hướng Hóa đã đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng Quỹ tình nghĩa. Với lòng quý trọng biết ơn sự hy sinh mất mát và những đóng góp của các đối tượng chính sách vì độc lập của dân tộc, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức, Nhân dân các dân tộc trong huyện và các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh đã tích cực hưởng ứng tham gia. Đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Chỉ tính riêng năm 2019, huyện đã chi trả 56.452 triệu đồng cho các các đối tượng chính sách; xây dựng hoàn thành 03 công trình Nhà bia ghi danh liệt sĩ ở các xã A Dơi, A Xing, A Túc với tổng kinh phí 1.045 triệu đồng; xây dựng nhà bảo vệ, bình phong Nhà thờ và cổng xếp Inox tại Khu Văn hoá tâm linh với tổng kinh phí hơn 561,7 triệu đồng; xây dựng 14 nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách người có công với tổng kinh phí 830 triệu đồng; tổ chức đưa đón 724 đối tượng chính sách có công đi diều dưỡng với kinh phí 933,51 triệu đồng. Thăm tặng quà Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 của Chủ tịch nước, của tỉnh, huyện và các tổ chức, đơn vị hỗ trợ các gia đình có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, các đối tượng xã hội, các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện qua các thời kỳ, gia đình hộ nghèo, với 2.540 suất quà, tổng trị giá 614,4 triệu đồng.
Bảo tháp Khe Sanh
Một trong những việc làm mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hướng Hóa luôn quan tâm đó là công tác khảo sát, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ về Nghĩa trang liệt sỹ huyện. Cán bộ, Nhân dân ở các địa phương như xã Thuận, Hướng Lập, Hướng Sơn, Hướng Linh, Thanh, Tân Liên, thị trấn Khe Sanh…cán bộ, chiến sĩ các Đồn Biên phòng, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, cơ quan Quân sự huyện cùng với đội quy tập hài cốt liệt sĩ huyện đã không quản đường sá xa xôi, cách trở, băng rừng, lội suối đến các khu rừng ở các bản làng trong huyện hay ở những vùng núi cao hiểm trở tận biên giới Việt - Lào để tìm kiếm, cất bốc hài cốt của các anh hùng, liệt sĩ đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện. Hiện nay ở Nghĩa trang liệt sỹ huyện có 2.293 mộ chí các anh hùng liệt sĩ, trong đó đa phần là con em các tỉnh thành trong cả nước đã được Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân các dân tộc Hướng Hóa chăm sóc, hương khói chu đáo. Việc đón tiếp thân nhân các gia đình liệt sĩ đến tìm hài cốt các anh hùng, liệt sĩ trên địa bàn cũng đã được tận tâm phục chu đáo để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp và lòng biết ơn sâu sắc của thân nhân các gia đình liệt sĩ đối với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc Hướng Hóa.
Lãnh đạo huyện và Trung tâm thiện nguyện nối vòng tay lớn Hà Nội trao quà cho các đối tượng chính sách ở các xã phía Nam của huyện
Những việc làm thiết thực nghĩa tình và nghĩa cử cao đẹp của cán bộ và Nhân dân các dân tộc Hướng Hóa trong những năm qua, thể hiện đạo lý “ uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc, chính sách “đền ơn, đáp nghĩa” của Đảng và Nhà nước, phần nào bù đắp và làm vơi đi những mất mát hy sinh của các gia đình liệt sĩ, thương, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng và Mẹ Việt Nam anh hùng của quê hương và những cống hiến to lớn của các đối tượng chính sách, cùng đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương Hướng Hóa sớm trở thành huyện miền núi kiểu mẫu như lời căn dặn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.