KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG VĂN PHÒNG CẤP ỦY (18/10/1930 - 18/10/2022) 

Ngày 03 tháng 02 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng mở đầu cho sự hình thành và phát triển của ngành công tác tư tưởng của Đảng, ngành tổ chức xây dựng Đảng, ngành dân vận của Đảng, ngành kiểm tra Đảng và Văn phòng cấp uỷ.

 

 Cũng như các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, Bộ Chính trị khoá IX quyết định lấy ngày 18 tháng 10 hàng năm làm ngày truyền thống Văn phòng cấp uỷ. Lịch sử Đảng đã chứng minh, công tác văn phòng cấp uỷ gắn liền với quá trình điều hành, tổ chức và lãnh đạo của Cấp uỷ Đảng từ Trung ương đến cơ sở, mở đầu cho truyền thống công tác Văn phòng là các hoạt động phục vụ hội nghị thành lập Đảng (03/2/1930) và hội nghị Trung ương lần thứ nhất (tháng 10/1930). Mặc dầu thời kỳ 1930 - 1945 chưa chính thức có tổ chức Văn phòng của Trung ương, nhưng những công việc thuộc chức năng văn phòng đều được các bộ phận giúp việc thực hiện; được xem là những tổ chức sơ khai đầu tiên của Văn phòng.

Sau khi giành được chính quyền năm 1945, lịch sử đã đặt Đảng ta trước vô vàn khó khăn, thách thức, cơ quan Trung ương của Đảng rút vào hoạt động bí mật. Cuối năm 1946 toàn quốc kháng chiến, các cơ quan Trung ương lại chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc. Để phù hợp với tình hình lúc đó, tháng 5/1947 Văn phòng Trung ương Đảng được thành lập tại xã Quảng Nạp, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, gọi là Văn phòng Thường vụ Trung ương Đảng, có nhiệm vụ giúp Trung ương Đảng, Bác Hồ và các cơ quan khác của Đảng soạn thảo tài liệu, văn kiện, theo dõi tình hình, tổng hợp báo cáo các nơi gửi đến, đề xuất ý kiến, tổ chức mật mã, điện đài, giao thông, liên lạc, công việc hành chính, quản trị.

Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Văn phòng Trung ương Đảng trở về Hà Nội. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng, ngày 15/12/1959 Ban Bí thư ban hành Bản quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và lề lối làm việc của Văn phòng Trung ương với 3 nhiệm vụ chính là nghiên cứu tổng hợp, hành chính quản trị và ngân sách Đảng.

Sau khi đất nước thống nhất, ngày 23/12/1977, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 25-CT/TW xác định Văn phòng cấp uỷ là cơ quan giúp cấp uỷ tổ chức, điều hành công việc hàng ngày của Đảng, là cơ quan thông tin tổng hợp cho cấp uỷ; giúp cấp uỷ xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình công tác, kiểm tra thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, soạn thảo văn kiện chỉ đạo cấp uỷ Đảng, thông tin tổng hợp phục vụ lãnh đạo, công tác văn thư - lưu trữ, quản lý ngân sách Đảng, đảm bảo điều kiện làm việc của cấp uỷ...

Có thể nói rằng, trong suốt tiến trình lịch sử 92 năm qua, Văn phòng của Đảng đã có nhiều đóng góp cực kỳ quan trọng, thường xuyên tham mưu và phục vụ trực tiếp các hoạt động của Đảng. Trải qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, các thế hệ cán bộ Văn phòng đã vươn lên hoàn thành nhiệm vụ vinh quang của mình. Luôn nắm bắt thực tế nhanh nhạy và chính xác; kịp thời tham mưu, đề xuất để Đảng có những chủ trương, quyết sách chiến lược đúng đắn, đảm bảo cho sự thắng lợi của cách mạng qua các thời kỳ.

Lịch sử truyền thống Văn phòng của Đảng bộ huyện Hướng Hoá được đánh dấu kể từ ngày Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập vào năm 1941, do đồng chí Lê Xích làm Bí thư Chi bộ. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, phong trào công nhân và lao động liên tiếp nổ ra, thu từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, ngày 25/8/1945 chính quyền cách mạng được thành lập. Từ đó đến nay, truyền thống của Văn phòng cấp ủy đều gắn liền với sự nghiệp xây dựng và trưởng thành, lớn mạnh của Đảng bộ huyện Hướng Hóa.

Truyền thống của Văn phòng Huyện uỷ Hướng Hoá gắn liền với sự ra đời và phát triển của Đảng bộ huyện. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, kẻ địch ra sức đàn áp, hoạt động của Đảng hoàn toàn bí mật, các điều kiện vật chất còn thiếu thốn, vừa phải tổ chức bảo vệ bí mật cho các đồng chí lãnh đạo, vừa phải tìm kiếm tài chính, lương thực để trường kỳ kháng chiến. Giai đoạn trước 1975, tình hình nhiệm vụ Văn phòng cấp uỷ cũng có nhiều thay đổi. Cơ quan Huyện uỷ thời gian này rút vào hoạt động bí mật, lúc đầu đóng tại bản Ca Chầm (xã Tà Long), sau đó chuyển về Ba Hy, có khi đóng ở Ba Nang. Nhiệm vụ lúc này là tập trung nắm bắt diễn biến tình hình, chuẩn bị nội dung các hội nghị, các buổi làm việc của Huyện uỷ với các cơ quan, đơn vị Trung ương, tỉnh và cơ sở. Công tác hành chính văn thư, in ấn, giao thông, liên lạc, lưu trữ được các bộ phận thực hiện nhanh, gọn, đầy đủ; các loại tài liệu, công văn, báo cáo đi đến kịp thời, đúng địa chỉ. Năm 1960, Văn phòng Huyện uỷ được biên chế thêm một tổ cơ yếu, báo vụ để tăng cường thông tin liên lạc bằng vô tuyến điện và giữ gìn độ mật thông tin.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc Hướng Hoá tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng quê hương. Thực hiện chủ trương của Trung ương, của tỉnh, năm 1976 huyện Hướng Hoá được lập lại trên cơ sở sáp nhập hai huyện Nam Hướng Hoá và Bắc Hướng Hoá. Văn phòng Huyện uỷ tiếp tục hoàn thiện về phương pháp công tác, đảm bảo điều kiện hoạt động của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện.

Với chức năng, nhiệm vụ vừa tham mưu, vừa phục vụ giúp Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, trực tiếp là Ban Thường vụ và Thường trực Huyện uỷ lãnh đạo mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Lớp lớp thế hệ cán bộ Văn phòng Huyện uỷ đã luôn phát huy truyền thống vẻ vang của mình, khắc phục khó khăn thử thách, tích cực tham mưu cấp ủy xây dựng và thực hiện chương trình công tác, đảm bảo sự lãnh đạo, điều hành xuyên suốt. Tham gia dự thảo và thẩm định các báo cáo, chỉ thị, nghị quyết và các loại văn bản của cấp ủy. Chuẩn bị nội dung, thời gian, địa điểm các hội nghị, các buổi làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Huyện uỷ. Thường xuyên nắm thông tin, tổng hợp kịp thời mọi hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng, các hoạt động của các ban ngành, đoàn thể trong huyện. Tham mưu, phục vụ tốt sự lãnh đạo của cấp ủy huyện, mang lại nhiều thành quả quan trọng có ý nghĩa lịch sử như ngày hôm nay.

Quá trình trưởng thành và phát triển của Đảng bộ huyện và sự lớn mạnh không ngừng của phong trào cách mạng huyện nhà ngay từ buổi đầu thành lập, đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương Hướng Hoá do Đảng bộ huyện trực tiếp lãnh đạo đã gặt hái được những thành tựu hết sức to lớn, Hướng Hoá chúng ta vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu huyện anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Những thành tựu đó có sự đóng góp quan trọng, xứng đáng của đội ngũ cán bộ, công chức Văn phòng Huyện uỷ qua các thời kỳ.

Cán bộ, công chức Văn phòng cấp ủy huyện hôm nay biết nhìn đúng, nhận thức sâu sắc về truyền thống của mình, nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại và hạn chế để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, mà trọng tâm là tham mưu triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, lập thành tích xuất sắc hướng đến chào mừng kỷ niệm 55 năm Ngày chiến thắng Khe Sanh - Giải phóng Hướng Hóa (09/7/1968 - 09/7/2023), ghi thêm thành tích vào trang sử truyền thống của Văn phòng Huyện uỷ trong giai đoạn hiện nay và mai sau.

Nguyễn Đăng Thái
loading....