Hướng Hóa: Vùng đất đầy triển vọng trong thu hút đầu tư và phát triển 

Hướng Hoá là huyện miền núi, biên giới nằm về phía Tây của tỉnh Quảng Trị, giáp với nước bạn Lào, có đường xuyên Á - Quốc lộ 9 đi qua với Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Nếu như trong chiến tranh, Hướng Hóa được biết đến là mảnh đất bị bom đạn cày xới thì hôm nay, khi đến đây, dường như ai ai cũng có thể cảm nhận được sự chuyển mình, đổi thay mạnh mẽ của mảnh đất này. Với những lợi thế vốn có, Hướng Hóa đã và đang từng bước vươn lên trở thành điểm đến đầy triển vọng để đầu tư và phát triển.

Khách tham quan trải nghiệm mô hình nông nghiệp sạch trên Đèo Sa Mù

Với vị trí địa lý và khí hậu đặc trưng vốn có, Hướng Hóa được xem là mảnh đất nằm ở vị trí chiến lược trong chiến tranh và ngay cả khi thời bình. Đặc biệt hiện nay, thế mạnh kinh tế của huyện là sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch và năng lượng điện gió.
Ngay từ những ngày đầu lên lập nghiệp tại vùng đất Hướng Hóa, nhiều người đã tận dụng những lợi thế đó để nhân rộng một loại cây làm nên thương hiệu nơi miền Tây của tỉnh Quảng Trị - Cà phê chè Arabica. Từ điều kiện tự nhiên vốn có đã giúp cây cà phê Khe Sanh tích lũy nhiều tinh dầu và hương thơm, tạo nên mùi vị đặc trưng… Cho đến nay, dù trải qua nhiều biến cố, khó khăn, cây cà phê vẫn luôn được xác định là một trong những loại cây chủ lực của huyện Hướng Hóa. Tổng diện tích cà phê chè Arabica hiện có gần 5.000 hecta, trong đó diện tích thu hoạch hơn 3.500 ha. Cà phê Hướng Hóa có chất lượng thơm ngon. Bên cạnh việc đầu tư, chăm sóc, mở rộng diện tích, huyện còn chú trọng đến việc kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cà phê, thu mua nguyên liệu, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho các hộ dân. Mới đây, cà phê chè Arabica Hướng Hóa chính thức được bảo hộ thương hiệu cà phê Khe Sanh. Ngoài cà phê, với chất đất và hậu khá lí tưởng, hiện nay, Hướng Hóa mang trong mình nhiều tiềm năng và đang là điểm đến của các nhà đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, điển hình là những loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao như macca, cây ăn quả và cây dược liệu... Bên cạnh đó, với lợi thế về chất đất và khí hậu, Hướng Hoá cũng là một trong những địa phương có thế mạnh trong khai thác, phát triển tiềm năng về nông nghiệp. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp trên địa bàn Hướng Hoá đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tốc độ phát triển đạt khá, giá trị sản xuất bình quân tăng lên mỗi năm; sản xuất nông nghiệp được đầu tư thâm canh, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường; góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người nông dân…Đến Hướng Hoá, sẽ được nghe nhắc nhiều về một “Tiểu Đà Lạt” hội tụ đầy đủ những điều kiện cần thiết để phát triển ngành nông nghiệp chất lượng cao... Đó chính là đỉnh Đèo Sa Mù, ngay trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Hiện tại, một trạm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ Bắc Hướng Hoá đã được triển khai xây dựng, mỗi năm trồng thành công hàng nghìn chậu hoa lily thương phẩm, hoa tulip và các loại cây trồng dược liệu cung cấp ra thị trường. Đèo Sa Mù còn là điểm dừng chân lý tưởng cho những ai muốn khám phá về một vùng đất huyền bí với lớp sương mù bện chặt quanh năm.

Hướng Hóa là địa bàn thuận lợi trong  phát triển năng lượng điện gió.

Cùng với những lợi thế trong phát triển nông nghiệp, huyện Hướng Hóa là địa bàn thuận lợi phát triển năng lượng điện gió... Với những lợi thế vốn có, theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh giai đoạn đến năm 2020, vị trí thuận lợi để xây dựng các nhà máy điện gió tập trung ở các xã Hướng Linh, Hướng Sơn, Hướng Lập, Hướng Phùng của huyện Hướng Hóa. Cùng với đó, huyện cũng đang tiếp tục quy hoạch, triển khai đầu tư phát triển năng lượng điện gió tại các xã Hướng Tân, Tân Liên, Tân Lập... Có thể thấy, bên cạnh hiệu quả về kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động và cải thiện hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương, điện gió được xem là phương án tối ưu trong phát triển năng lượng sạch bởi không tác động xấu đến môi trường sinh thái, nguồn nước và phát sinh khí thải.
Một trong những tiềm năng đang được “đánh thức” tại huyện Hướng Hóa phải kể đến, đó chính là tiềm năng về phát triển du lịch. Du lịch lịch sử - cách mạng với những địa danh ghi dấu những chiến công oai hùng, vĩ đại của dân tộc ta như Sân bay Tà kơn, Nhà tù Lao Bảo; Du lịch biên mậu - thương mại đi qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo. Đây từng được ví là “Đô thị vàng” giữa vùng rừng núi miền tây Quảng Trị đồng thời được kỳ vọng sẽ là một chặng dừng chân lý tưởng trên con đường du lịch xuyên á, thu hút nhiều những nhà đầu tư quốc tế tầm cỡ, theo đúng quy luật đất lành chim đậu...
Cho đến nay, tại huyện miền núi Hướng Hóa có rất nhiều địa danh mang nét đẹp hoang sơ, hùng vỹ. Thêm vào đó là truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều Pa Kô gắn kết chặt chẽ với các vùng miền này. Điều này đã tạo ra tiềm năng du lịch rất lớn cho các vùng miền núi, nhất là tiềm năng du lịch sinh thái, cộng đồng. Hệ thống hang động hoang sơ, kỳ bí tại xã Hướng Lập và mới đây nhất được phát hiện tại xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa cho đến nay vẫn đang là điểm đến của nhiều người thích khám phá. Nhận thấy tiềm năng của các hệ thống hang động tại đây, các cấp, ngành trên địa bàn huyện, tỉnh cũng đã tổ chức đoàn khảo sát, lên kế hoạch bảo tồn và đưa vào khai thác du lịch.

Hệ thống hang động hoang sơ, kỳ bí là điểm khám phá lý tưởng khi đến Hướng Hóa

Ngoài những tiềm năng sẵn có, huyện Hướng Hóa còn được biết đến với những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Bằng đường lối chủ trương đúng đắn của Đảng, chính quyền các cấp, tinh thần lạc quan và dự gắn kết chặt chẽ của các dân tộc anh em, sự đoàn kết, bền bỉ vươn lên của nhân dân, bộ mặt huyện có những bước chuyển mình đáng kể, điều kiện sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Trong 5 năm (Từ 2015 - 2020), kinh tế huyện Hướng Hóa tiếp tục phát triển, chuyển dịch đúng hướng, tổng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt trên 12.690 tỷ đồng, đạt 162% so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra, tăng 134,6% so với nhiệm kỳ 2010 - 2015; thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng, tăng 15,4 triệu đồng so với năm 2015. Đến nay, toàn huyện có 5 xã hoàn thành các chỉ tiêu trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, 4 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 10 xã đạt từ 8 - 9 tiêu chí nông thôn mới. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện đáng kể, năng lực sản xuất tang nhanh, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào địa bàn, huyện Hướng Hóa quyết tâm tháo gỡ “nút thắt" về đất đai một cách thận trọng, khoa học để kịp thời có những chỉ đạo, điều hành phù hợp với thực tiễn; Tập trung thống nhất đề ra nhiều chủ trương, bước đi quan trọng trong thời gian từ 2019 đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trước hết là giải quyết thỏa đáng vấn đề sử dụng đất cho bà con nông dân và doanh nghiệp. Việc làm này vừa khuyến khích doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào Hướng Hóa vừa để người dân an tâm làm ăn, ổn định cuộc sống. Nhiệm vụ trước mắt là tập trung lập đề án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Hướng Hóa đến năm 2030 trên cơ sở đó để xác định vùng trọng điểm phát triển kinh tế. Huyện tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch, xác định rõ các vùng sản xuất tập trung và kêu gọi doanh nghiệp vào liên doanh, liên kết đầu tư phát triển. Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, điều kiện đầu tư ngày càng thuận lợi, Huyện miền núi Hướng Hóa hứa hẹn là điểm đến đầy triển vọng để đầu tư và phát triển.

Sưu tầm
loading....