HƯỚNG HÓA TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TẠI CÁC XÃ, THỊ TRẤN BIÊN GIỚI 

Sáng ngày 28 tháng 10 năm 2022, Đoàn giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức phiên làm việc Ban Thường vụ Huyện ủy Hướng Hóa. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Hồ Thị Thu Hằng, UVTV, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn cùng các đồng chí thành viên Đoàn giám sát số 650; đồng chí Nguyễn Tăng, TUV, Bí thư Huyện ủy cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy Hướng Hóa.

Đồng chí Hồ Thị Thu Hằng, UVTV, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy phát biểu tại phiên làm việc

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát số 650, trong thời gian qua Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện tổ chức học tập, phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị; Chương trình hành động số 135-CTHĐ/TU, ngày 08/11/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản, chương trình hành động, kế hoạch của Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn. Tập trung quán triệt, triển khai Nghị quyết số 20/NQ-CP, ngày 17/8/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Nghị quyết số 23/NQ-CP, ngày 02/3/2022 của Chính phủ  về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền; Quyết định số 864/QĐ-TTg, ngày 09/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch các đô thị trên biên giới Việt Nam và Lào; Quyết định số 259/QĐ-TTg, ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, đối ngoại đối với các xã biên giới trên địa bàn với việc thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW. Từ năm 2018 đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đều xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và được cụ thể hóa tại các kết luận về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh hằng năm. Đặc biệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đối với các xã, thị trấn biên giới.

Cùng với đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử của đường biên giới, hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào; chấp hành nghiêm Hiệp định về quy chế biên giới giữa Nhân dân hai bên biên giới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển bền vững.

Chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, có sự phân cấp cho quản lý của địa phương. Nguồn lực thực hiện từ các chủ trương chính sách đã góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, cơ cấu kinh tế phù hợp với xu hướng chung của tỉnh và cả nước. Giải quyết được những chính sách cấp thiết của địa phương về chính sách xã hội.

Lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị tích cực phối hợp với các Đồn Biên phòng đóng quân trên địa bàn tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả mô hình kết nghĩa “Bản - Bản”, giúp dân cư hai bên biên giới gắn bó, thường xuyên giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, thúc đẩy giao thương, xóa đói giảm nghèo.

Thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ của hai nước Việt Nam - Lào, đến nay cơ bản đã giải quyết được vấn đề người dân di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng các xã biên giới từ năm 2014 trở về trước. Chính quyền và lực lượng chức năng hai bên biên giới tiếp tục tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin về tình hình và hỗ trợ hiệu quả lẫn nhau để khống chế, đẩy lùi đại dịch Covid-19 cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng hướng, phát triển các ngành dịch vụ, thương mại, đầu tư cho phát triển công nghiệp, đồng thời phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.

Tuy nhiên, do nền kinh tế của huyện xuất phát điểm thấp, quy mô nhỏ, đời sống Nhân dân ở các xã vùng biên giới còn khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp so với cả nước. Việc thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư vào các xã biên giới còn rất khiêm tốn. Hoạt động kinh doanh trên khu vực biên giới tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chủ yếu ở quy mô nhỏ; một số vấn đề về xâm canh, xâm cư qua biên giới chưa giải quyết triệt để, công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu, kết hôn có yếu tố nước ngoài còn nhiều vướng mắc; hoạt động buôn bán hàng lậu, đặc biệt là tình trạng vận chuyển, buôn bán ma túy trong những năm gần đây ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

Tại phiên làm việc, các đồng chí trong Đoàn giám sát 650 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy đều thống nhất trong thời gian tới huyện Hướng Hóa tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Nghị quyết số 23/NQ-CP, ngày 02/3/2022 của Chính phủ về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền; Quyết định số 864/QĐ-TTg, ngày 09/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch các đô thị trên biên giới Việt Nam và Lào; Quyết định số 259/QĐ-TTg, ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 04/11/2021 của Tỉnh ủy về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 28/10/2021 “về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô trên địa bàn huyện Hướng Hóa”; Nghị quyết 03-NQ/HU, ngày 28/10/2021 “về khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh thu hút đầu tư trên địa bàn huyện Hướng Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan Quân sự, Công an và các Đồn Biên phòng trong việc phối hợp, tham mưu; đồng thời, phân công theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức thực hiện và rút kinh nghiệm kịp thời. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ có kiến thức toàn diện cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, am hiểu tình hình địa phương và phong tục tập quán sinh sống của đồng bào, nhất là đồng bào khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh gắn với sự điều kiện của mỗi địa phương, cơ sở. Trong đó, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện cần tuân thủ quy hoạch tổng thể tỉnh, theo từng lĩnh vực, với yêu cầu đặt ra là đánh giá toàn diện, đúng hiện trạng, xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch kết hợp cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, địa phương ngay từ khâu khảo sát, đánh giá các nguồn lực của huyện. Trên cơ sở đó, xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và các chính sách, giải pháp, như: chính sách khai thác các nguồn lực; chính sách đầu tư và phân bổ đầu tư phục vụ cho việc thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh của mỗi địa phương, nhất là các địa bàn tuyến biên giới, vùng sâu, vùng xa. Các chương trình, dự án cần tính đến yếu tố đặc thù của từng vùng và phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào các dân tộc tại địa phương.

Nguyễn Đăng Thái
loading....