Giữ niềm đam mê
Từ bao đời nay, cộng đồng người dân tộc Vân Kiều ở Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị luôn gắn bó với rừng. Họ coi rừng là người bạn thân thiết, rừng cũng là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu vô tận như mây, tre, nứa, dong... để thông qua bàn tay cần cù và khối óc sáng tạo, họ làm nên những sản phẩm đan lát phục vụ cho chính mình và đời sống cộng đồng cư dân trong làng bản. Mỗi sản phẩm thủ công truyền thống đều ẩn chứa trong đó sự khéo léo, cần mẫn, chăm chút và có giá trị trong cuộc sống thường nhật của mỗi gia đình.
Các thành viên Tổ đan lát thủ công đang cùng nhau đan những sản phẩm truyền thống của dân tộc mình
Tuy nhiên, khi xã hội phát triển, sự giao lưu về kinh tế, văn hóa, xã hội không còn bị bó hẹp thì nghề đan thủ công của người Vân Kiều nơi đây cũng dần bị mai một và đúng trước nguy cơ thất truyền khi mà thế hệ trẻ không còn nhiệt huyết để học và lưu giữ nghề đan lát truyền thống. Nhiều người già vẫn còn đam mê gìn giữ nghề truyền thống, nhưng ngặt một nỗi, sản phẩm làm ra chẳng mấy ai mua dùng vì giá thành cao, trong khi sản phẩm làm bằng nhựa cùng loại tiện lợi, giá thành lại rẻ. Chỉ khi nào nhớ nghề, các bậc cao niên mới vào rừng chặt cây tre, cây mây về đan đồ dùng cho khuây khỏa nỗi niềm.
Trước thực trạng trên, Đảng ủy, UBND và các đoàn thể thị trấn Lao Bảo đã thành lập Tổ đan lát thủ công, với mong muốn quy tụ những người còn giữ sự đam mê với nghề đan lát thủ công để truyền lại cho thế hệ cháu con. Ông Hồ Văn Xuông, 70 tuổi, thành viên của tổ chia sẻ: “Vậy là sau bao ngày mong đợi, hôm nay, bố với mọi người yêu quý nghề đan thủ công đã có được nơi để làm và giữ nghề. Vui cái bụng lắm. Bố và mọi người rất cảm ơn lãnh đạo thị trấn và cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã thành lập Tổ đan lát thủ công này, để bố và mọi người ở đây được vui, được say với nghề”.
Tăng thêm thu nhập, giữ văn hóa nghề
Mặc dù nơi làm việc của các thành viên trong Tổ đan lát thủ công chỉ là một căn phòng của ngôi nhà cũ có diện tích không rộng, song những người thợ vẫn thoăn thoắt đôi tay điều khiển những chiếc nan tre, những sợi mây để làm nên các sản phẩm truyền thống của dân tộc mình. Người mới vào nghề thì đan chổi đót hay Ka đưng truôi (Lồng nhốt gà), người có tay nghề vững thì đan những vật dụng có tính phức tạp và đòi hỏi thẩm mỹ cao hơn như: Pả điền (Mâm đựng cơm), Típ (dụng cụ đựng xôi), Xà rừng (đựng áo quần)...
Bà Giả Lim, 80 tuổi chia sẻ: “Mẹ biết nghề đan từ khi 16 tuổi, mẹ được bố mình dạy cho. Đến nay, đã hơn 60 năm làm nghề nên mọi vật dụng trong nhà, mẹ đều tự đan lấy để dùng. Thế nhưng, mấy đứa cháu bảo, bây giờ đồ nhựa, đồ sắt người ta bán la liệt, ngồi đan làm chi cho đau lưng. Song, mẹ vẫn thích dùng đồ mình tự đan hơn, bởi đó là nét đẹp truyền thống của bản làng, của dân tộc mình. Bây giờ, có Tổ đan lát thủ công rồi, mọi vật dụng làm ra đều được đem ra chợ bán hoặc có người đến tận nơi mua nên cũng có thêm tiền để trang trải trong gia đình”.
Với giá bán 400.000 đồng cho một chiếc gùi nhỏ, 600.000 đến 700.000 đồng một cái gùi lớn; 1.000.000 đồng một cái mâm đựng cơm, từ 40.000 đến 50.000 đồng cho mỗi cái chổi đót..., nếu nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định và sản phẩm làm ra được tiêu thụ hết thì thu nhập hàng tháng cho mỗi thành viên trong tổ đạt khoảng từ 3,5 đến 4 triệu đồng, đây là một khoản thu nhập không hề nhỏ đối với người dân vùng cao biên giới.
Bà Võ Thị Thúy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo cho biết: “Tổ đan lát thủ công khóm Ka Tăng và Khe Đá quy tụ được 29 thành viên, là những người có tay nghề, đan được nhiều loại sản phẩm khác nhau và có độ tinh xảo, tính thẩm mỹ cao. Về tìm đầu ra cho sản phẩm, chúng tôi đã giao cho Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Lao Bảo chịu trách nhiệm.
Hiện nay, sản phẩm chủ yếu bán cho người dân địa phương và một số vùng lân cận, song, cần có thêm nhiều giải pháp để tìm hướng đi lâu dài cho nghề đan truyền thống. Chúng tôi đang đề xuất xin một gian nhỏ ở khu vực cửa khẩu quốc tế Lao Bảo để mở cửa hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm cho du khách biết và mua sản phẩm. Nếu làm được như vậy thì chắc chắn đầu ra cho sản phẩm sẽ bền vững hơn”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Lao Bảo cho biết thêm: “Thời gian tới, tổ sẽ đan thêm một số sản phẩm mới phù hợp hơn với nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tổ sẽ tổ chức dạy và truyền nghề cho lớp trẻ trong địa phương để nghề đan thủ công không bị mai một theo thời gian”.
Bất kỳ một mô hình sản xuất nào mới hình thành cũng sẽ có nhiều khó khăn, song, với một hướng đi đúng và được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, cùng sự đam mê, yêu nghề, muốn giữ nét văn hóa truyền thống về nghề của đồng bào Vân Kiều, tin tưởng rằng, Tổ đan lát thủ công của khóm Ka Tăng và Khe Đá, thị trấn Lao Bảo sẽ ngày càng phát triển để người dân có thêm thu nhập và thoát nghèo bền vững.