Bám đất để bảo vệ biên cương 

Chúng tôi thật sự xúc động khi người dân bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt nhưng vẫn ngời lên một niềm tin vào cuộc sống mới, tin vào sự đùm bọc yêu thương của người dân khắp mọi miền đất nước. Ông Hồ Dỏ đứng trên ngôi nhà đã bị đất vùi lấp lạc quan nói: “Đất đai chúng tôi ở đây, quê hương là đây nên phải bám trụ để giữ gìn mảnh đất cha ông. Đồng bào mong Đảng và Nhà nước quy hoạch cho một nơi ở ổn định trên dãy Trường Sơn này để xây dựng lại cuộc sống ấm no, góp sức giữ yên bờ cõi của Tổ quốc”

Tình người nơi biên ải

Mặc mưa gió mịt mù, đường tắc hằng giờ, nguy hiểm rình rập trên từng cây số nhưng từng đoàn xe cứu trợ vẫn lao về phía trước. Bởi họ biết rằng, người dân vùng bị sạt lở đang cần cứu giúp từng phút, từng giờ. Đoàn 5 chiếc xe tải của bà Nguyễn Thị Lành, ở Nam Định chở gạo và áo quần cho người dân xã Hướng Phùng và Hướng Việt có hành trình không thể nào quên. Đoàn vượt bão lũ từ Nam Định vào Hướng Hóa mất 2 ngày thì bị kẹt đường do xe container bị tai nạn chắn mất đường thêm 1 ngày nữa. Trên tuyến đường Hồ Chí Minh để đến Hướng Phùng, Hướng Việt mất 2 ngày do đường sạt lở phải nằm lại dọc đường. Một lái xe trong đoàn, ông Trần Hành, nguyên chiến sĩ lái xe thời chống Mỹ hào sảng: “Ở dãy Trường Sơn này, ngày xưa vì miền Nam thân yêu mà chúng tôi chẳng ngại xông pha dưới mưa bom bão đạn. Nay người dân Quảng Trị đang khốn khó từng ngày vì bị thiên tai chia cắt, lẽ nào chúng tôi chịu lùi bước?”.

 

 

Tiến sĩ Trần Hữu Tuyên, Khoa Địa lý - Địa chất, Trường Đại học Khoa học Huế thuyết trình nguy cơ sạt lở đất tại tỉnh Quảng Trị trên bản đồ SINMAP

 

Đất nước Việt Nam là thế, khi thiên tai hoạn nạn, đạo lý đùm bọc, cưu mang nhau lại được phát huy hơn bao giờ hết. Trên tuyến đường Trường Sơn những ngày qua luôn nhộn nhịp lượng người, phương tiện vào nơi tâm lũ để giúp người dân gặp khó khăn. Chúng tôi chứng kiến 50 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giúp Nhân dân hai xã Hướng Việt và Hướng Lập, huyện Hướng Hóa khắc phục hậu quả của mưa lũ. Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ, tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây nối trung tâm huyện Hướng Hóa đến 2 xã vùng cao Hướng Việt và Hướng Lập bị sạt lở nghiêm trọng khiến nơi đây bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.

 

Ngoài ra, sạt lở núi đã khiến lượng bùn, đất, đá và các loại cây cối tràn xuống làm ngập các thôn, bản tại xã Hướng Việt, với chiều sâu trung bình khoảng 0,5m, một số vị trí ngập sâu hơn 1m. Nhà cửa của người dân, các công trình cầu cống, đường sá, hệ thống thông tin liên lạc, điện chiếu sáng, các công trình cung cấp nước sạch bị hư hỏng nặng. Đồn Biên phòng Hướng Lập hỗ trợ, giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc trên khu vực biên giới.

 

Chuyến hành trình đến đỉnh đèo Sa Mù, chúng tôi gặp hai công nhân đang điều khiển xe múc thông đường. Hai chiếc xe nhỏ bé lọt thỏm dưới các quả núi đồ sộ, đất đá lở loét chực chờ đổ ập xuống. Cùng chia nhau mấy ổ bánh mì mang theo từ sáng đã nguội ngắt, anh Nguyễn Văn Thương, quê Nghệ An, công nhân Công ty 470 thuộc Cục đường bộ II nhai vội vàng để kịp tranh thủ làm ca trưa. Anh cho biết, đội gồm 8 công nhân xung phong vào đây từ 10 ngày trước. Toàn đội thống nhất bất kể ngày đêm thay nhau lên máy để nối thông các điểm sạt lở “giải vây” cho người dân đang bị cô lập. “Mấy anh em ở đây làm việc, nhưng ở quê nhà gia đình chưa có một giấc ngủ ngon. Cứ nghe thông tin sạt lở ở Quảng Trị là hoảng hốt mấy ngày. Ở đây không liên lạc được nên mỗi tối thường cắt cử một người đi xe máy ra vùng có sóng để thông báo về từng gia đình biết mọi người vẫn an toàn”, anh Thương tự tin nói.

 

Cách đỉnh Sa Mù 5 km, tại điểm thôn Choang, xã Hướng Phùng, các công nhân suốt ngày phải ngâm mình dưới thác nước xối xả để xử lý đoạn đường nhựa bị sạt lở nghiêm trọng, nước thổi bay cả một đoạn taluy dài. Tốp công nhân này việc trong điều kiện hết sức nguy hiểm, trên là thác nước tuôn chảy không ngừng, dưới là vực sâu thăm thẳm. Anh Nguyễn Văn An, chỉ huy công trình cho biết: “Chúng tôi đã cắt cử một tổ làm công tác cảnh báo sạt lở, lũ quét, nhưng mức độ nguy hiểm vẫn cao, công nhân làm việc luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi”. Anh Trần Hường, quê Thanh Hóa, công nhân Công ty 471, Cục đường bộ II tâm sự: “Qua các phương tiện thông tin về các vụ sạt lở thương tâm xảy ra tại Quảng Trị, gia đình tôi lo lắm. Khi xung phong vào đây để nối thông tuyến đường, nhiều người ngăn cản nhưng tôi vẫn cứ lên đường chỉ một suy nghĩ đơn giản, lúc này người dân bị cô lập cần mình hơn bao giờ hết”...

 

Cần giải pháp ứng phó hữu hiệu với thiên tai

 

Câu chuyện cảnh báo sạt lở đất đối với người dân trở thành đề tài chính trong dư luận và các cuộc họp quan trọng của cơ quan chuyên môn. Theo nhiều ý kiến chuyên gia cảnh báo, mưa lũ thường diễn ra trong thời gian dài và diễn biến bất thường. Bởi vậy, đòi hỏi các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần rà soát và xử lý tốt các điểm sạt lở, đồng thời có phương án gia cố tạm thời tránh xảy ra những thiệt hại cho người dân. Cần coi trọng công tác dự báo, tăng cường tuyên truyền, trang bị kiến thức, cung cấp thông tin về phòng, chống thiên tai cho người dân. Đối với các địa phương xuất hiện điểm sát lở cần khẩn trương di dân khỏi khu vực có nguy cơ cao, rà soát quy hoạch dân cư, cơ sở hạ tầng bảo đảm giảm thiểu tác động do thiên tai gây ra.

 

 

Lực lượng xe  thay nhau làm việc nối thông các điểm sạt lở, “giải vây” cho người dân ở những vùng đang bị cô lập 

 

Ông Trương Văn Đại, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Hướng Hóa cho biết: “Cán bộ hội đã đến từng bản, vùng dân cư hướng dẫn nâng cao kỹ năng ứng phó khi sạt lở xảy ra như: Sử dụng túi không thấm nước để đựng quần áo dự phòng, bật lửa, nước uống, thực phẩm khô, giấy tờ quan trọng, kiểm tra định kỳ mọi thứ trong túi để bảo đảm rằng các đồ vật cần thiết luôn trong tình trạng tốt và bảo đảm đủ thức ăn, nước trong ít nhất một tuần ở vị trí cao và an toàn. Tuy nhiên đó chỉ mới là kiến thức ứng phó tức thời. Về lâu dài, chúng tôi đề nghị phải lắp đặt một hệ thống hỗ trợ cảnh báo hoặc bản đồ chi tiết phân vùng sạt lở để người dân chủ động phòng tránh hiệu quả hơn”.

 

Về dấu hiệu cảnh báo sạt lở đất theo kinh nghiệm dân gian, ông Hồ Dỏ, thôn Pa Tầng, xã Đakrông chia sẻ: Khi trời mưa lâu ngày, nước trong lòng núi chảy ra có màu đất mới, cây cối đổ nghiêng về một phía. Nếu thấy các hiện tượng này phải lên núi kiểm tra phát hiện có vết nứt thì chắc chắn sẽ sạt lở. Ông Dỏ nhờ kinh nghiệm này mà cứu cả gia đình thoát chết khi nhà cửa bị đất đá vùi lấp do sạt lở đêm 13/10/2020.

 

Tiến sĩ Trần Hữu Tuyên, Khoa Địa lý- Địa chất, Trường Đại học Khoa học Huế cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tiệm cận, sử dụng các sản phẩm cảnh báo lũ quét hiện đại bậc nhất trên thế giới làm công cụ hỗ trợ cảnh báo. Tuy nhiên, lũ quét, sạt lở đất thường chỉ xuất hiện ở một vài điểm trong tỉnh, thời gian xuất hiện không đồng thời và việc cảnh báo chi tiết đến huyện, xã hoặc khu vực có nguy cơ cao, rất cao chỉ có thể thực hiện trước được khoảng 3 - 6 giờ với độ tin cậy không cao. Ngoài ra, đặc điểm hoàn lưu, địa hình ở vùng núi nước ta cho thấy, mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra vào ban đêm, gây khó khăn trong truyền thông tin cảnh báo, nhất là đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa càng làm tăng nguy cơ thiệt hại về người và tài sản.

 

Bên cạnh đó, do tính phức tạp, bất ngờ, ngắn hạn của lũ quét, sạt lở đất nên để cảnh báo được lũ quét, sạt lở đất tại một địa điểm, tại con suối, sườn núi, ngoài việc cần xác định được lượng mưa đã xuất hiện và dự báo sẽ xảy ra chi tiết theo không gian, thời gian trên khu vực đó, quan trọng là còn cần phải xác định được các thông tin nền về điều kiện sinh lũ quét và sạt lở đất như: Địa hình, cấu trúc địa chất, lớp vỏ phong hóa, đặc điểm thảm phủ, độ ẩm, mức độ bão hòa, ngưỡng mưa sinh lũ quét và sạt lở đất. Trên thực tế hiện nay, các thông tin nền cần thiết này thuộc phạm vi quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành, địa phương, cụ thể như thông tin chi tiết về lớp phủ, biến động rừng, khai thác lưu vực thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp, thông tin chi tiết về giao thông, cầu, đường thuộc phạm vi quản lý của ngành Giao thông vận tải; thông tin chi tiết về kinh tế, xã hội, dân sinh, phân bố dân cư thuộc phạm vi quản lý của UBND các cấp; các thông tin này còn phải đảm bảo được tính cập nhật liên tục theo thời gian và chi tiết đến từng địa điểm.

 

Theo Tiến sĩ Trần Hữu Tuyên, việc làm cấp bách hiện nay là phải rà soát lại kịch bản biến đổi khí hậu làm cơ sở để xây dựng các phương án ứng phó với thiên tai, bão lũ gây sạt lở đất. Đánh giá được mức độ an toàn của các điểm dân cư miền núi và những ảnh hưởng do thiên tai đến sản xuất và đời sống. Đặc biệt, thiết lập các bản đồ cảnh báo khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm, bản đồ phân vùng nguy cơ tai biến tự nhiên của các điểm dân cư miền núi tỉnh Quảng Trị với tỉ lệ thích hợp. Đối với công tác cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá cần tiến hành hướng dẫn, tuyên truyền đối với người dân địa phương về cách ứng phó, giảm thiểu thiệt hại của trượt lở đất đá khi có cảnh báo cũng như trong mỗi mùa mưa bão. Tiến hành lắp đặt các thiết bị cảnh báo sớm trượt lở đất, lũ quét tại những lưu vực có nguy cơ cao, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.

 

Tuy nhiên để phòng, chống hiệu quả sạt lở đất, cần tiến hành phủ xanh đồi núi trọc bằng việc trồng rừng phòng hộ, khôi phục rừng tự nhiên, hạn chế xây dựng, quy hoạch dân cư tại những khu vực được đánh giá có nguy cơ cao, mật độ trượt lở xảy ra nhiều.

 

Chuyến công tác qua vùng sạt lở đất, chúng tôi chứng kiến bao cảnh tang thương mà người dân gánh chịu bởi thiên tai. Nhưng cũng trong hoạn nạn mới thấu hiểu vạn tấm lòng thơm thảo đáng trân trọng. Đó là những chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang ngày đêm giúp Nhân dân tái thiết cuộc sống. Người công nhân không quản hiểm nguy quyết tâm thông đường “giải vây” cho vùng bị cô lập. Hàng trăm đoàn người, phương tiện chở đầy hàng hóa cứu trợ tiếp sức cho người dân vùng khó. Cứ thế nối tiếp nhau, từng đoàn người hăng hái tiến vào tâm bão lũ mang ý chí chiến thắng thiên tai của con người Việt Nam.

 

Rừng Trường Sơn lại bừng lên một sức sống mãnh liệt.

Sưu tầm
loading....