Lan kim tuyến là một dược liệu quý có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe. Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN thuộc Sở KH&CN đã thực hiện thành công nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô lan kim tuyến và trồng thử nghiệm tại Sa Mù, Hướng Hóa mang lại kết quả bước đầu khả quan. Mô hình thử nghiệm ban đầu của trung tâm có quy mô 1.000 cây với mục đích xây dựng, chọn lọc, hoàn thiện quy trình trồng lan kim tuyến để lựa chọn công nghệ sản xuất hợp lý. Kết quả từ mô hình thí điểm ở quy mô nhỏ bước đầu cho thấy khả năng thích nghi và sinh trưởng tốt của cây lan kim tuyến trên vùng đất Bắc Hướng Hóa.
Ươm giống cây lan kim tuyến bằng phương pháp cấy mô -Ảnh: T.C.L
Từ kết quả đó, đề tài “Nghiên cứu nhân giống và trồng thử nghiệm cây lan kim tuyến tại vùng Bắc Hướng Hóa” tiếp tục thực hiện nhiệm vụ khảo sát, đánh giá đặc điểm, điều kiện tự nhiên, vùng phân bố cây lan kim tuyến trong tự nhiên tại khu vực Bắc Hướng Hóa. Trung tâm cũng nghiên cứu cơ sở thực tiễn, học tập kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất cây lan kim tuyến tại một số nơi đã thực hiện thành công trong cả nước. Trên cơ sở thực tiễn, cùng với các nghiên cứu tại địa phương, trung tâm sẽ xây dựng và hoàn thiện quy trình nhân giống cây lan kim tuyến bằng phương pháp nuôi cấy mô; nghiên cứu và xây dựng hoàn thiện quy trình ra ngôi và chăm sóc mầm lan kim tuyến. Đồng thời, xây dựng mô hình trồng thử nghiệm lan kim tuyến tại vùng Bắc Hướng Hóa. Bố trí cán bộ kỹ thuật thí nghiệm theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển của cây lan kim tuyến để đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển; năng suất và hiệu quả kinh tế nhằm hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lan kim tuyến trong nhà màng phù hợp với tỉnh Quảng Trị nhằm góp phần bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng trong tự nhiên.
Qua khảo sát ban đầu cho thấy tại Quảng Trị, cây lan này phân bố chủ yếu ở vùng rừng núi của huyện Đakrông và Hướng Hóa có độ cao từ 500 - 1.600 m, mọc trên các triền núi, dọc theo khe suối, dưới các tán cây to trong rừng ẩm. Loài cây này ưa độ ẩm cao, ưa bóng râm, kỵ ánh sáng, thích đất nhiều mùn, tơi xốp và thoáng khí. Hiện nay, loài lan dược liệu này đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, vì chúng thường phân bố hẹp, mọc rải rác mà số lượng ở từng nơi lại không nhiều và đang bị khai thác cạn kiệt để sử dụng và xuất bán qua Trung Quốc. Mặt khác, khả năng tái sinh của lan kim tuyến trong tự nhiên rất thấp vì cây sinh sản theo mùa, hạt khó nảy mầm và rất nhạy cảm với sự thay đổi ẩm độ của môi trường, đặc biệt là những nơi môi trường sinh thái bị tàn phá.
Trong y học, lan kim tuyến được sử dụng làm thuốc trị lao phổi, ho do phế nhiệt, phong thấp, đau nhức khớp xương, chấn thương, viêm dạ dày mãn tính, viêm khí quản, viêm gan mãn tính, suy nhược thần kinh; giúp tăng cường sức khoẻ, làm khí huyết lưu thông, có tính kháng khuẩn. Y học hiện đại đã phân tích và xác định được lan kim tuyến chứa các thành phần hoạt chất có dược tính cực kỳ quan trọng. Trong thời gian gần đây, tư thương Trung Quốc đã qua Việt Nam thu mua lan kim tuyến với giá rất cao từ 4- 6 triệu đồng/kg khô (thân, rễ, lá, hoa), nếu thu hái trong tự nhiên giá cao gấp 3 lần.
Hiện Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN tỉnh đang bắt tay vào triển khai những nhiệm vụ trước tiên của đề tài. Chủ nhiệm đề tài Bùi Thị Tân Diệu cho biết: “Ngay sau khi được UBND tỉnh thông qua đề tài, trung tâm tiến hành ngay nhiệm vụ như nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô ở phòng thí nghiệm, tập trung nghiên cứu để hoàn thiện quy trình sản xuất giống phù hợp. Trung tâm giao nhiệm vụ cụ thể cho kỹ sư trực tiếp thực hiện đề tài, đồng thời đầu tư các cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nhân giống và trồng thử nghiệm”.
Trên cơ sở kết quả thử nghiệm ở quy mô nhỏ, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN tỉnh sẽ mở rộng quy mô thử nghiệm và sau đó nhân ra diện rộng. Thành công của nhiệm vụ khoa học này có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý hiếm đang có nguy cơ bị khai thác quá mức dẫn đến tuyệt chủng trong tự nhiên, tạo ra một loại cây trồng mới trên vùng Bắc Hướng Hóa. Từ mô hình nghiên cứu, sản xuất trong điều kiện có ứng dụng công nghệ cao ở Trạm Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa đến nhân rộng kết quả mô hình cho người dân sản xuất là một quá trình dài đòi hỏi Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN tỉnh phải tập trung đầu tư mới thành công ở diện rộng. Mô hình này thành công sẽ tạo được việc làm và tạo ra nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân từ loài cây dược liệu quý này.