Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới” 

Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, trong 10 năm qua, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã tập trung triển khai thực hiện với nhiều hoạt động, giải pháp hiệu quả, phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhận thức công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ của toàn Đảng và hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội; đồng thời bám sát các nhiệm vụ trọng tâm theo Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo UBND huyện, các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, các cấp uỷ Đảng xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong toàn huyện; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, theo dõi quá trình thực hiện tại các địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các địa phương, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên đối với việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Xem đây là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới.

Các cấp, các ngành, địa phương từ huyện đến cơ sở đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú như: Tổ chức các hội nghị, học tập, truyền thông, sinh hoạt chuyên đề, các cuộc thi, thông qua phương tiện thông tin đại chúng nhằm phổ biến sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, học sinh và Nhân dân. Cụ thể:

- Giai đoạn 2012 - 2016, toàn huyện tổ chức tập huấn, truyền thông về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em trong tình hình mới” với 249 đợt.

- Giai đoạn 2017 đến nay, toàn huyện triển khai trên 749 đợt tập huấn, tuyên truyền với hơn 22.470 trẻ em tham dự; tổ chức 60 điểm phát động nhân Tháng hành động vì trẻ em; hỗ trợ trẻ em tổ chức các sự kiện, hoạt động truyền thông nhân Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, Ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6, tham gia Diễn đàn trẻ em các cấp…

Các hoạt động tuyên truyền có tác dụng nâng cao nhận thức và sự quan tâm của các gia đình, nhà trường và xã hội về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Nhờ vậy, trong những năm qua tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ngày càng tăng; môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em được chú trọng, các khu vui chơi, giải trí cho trẻ em ngày càng được nâng lên và đảm bảo an toàn; chế độ dinh dưỡng ngày càng đảm bảo, hạn chế được tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em; các hoạt động Tháng hành động vì trẻ em, quốc tế thiếu nhi (1/6), Tết Trung thu luôn được quan tâm tổ chức từ thôn, bản, cơ quan, địa phương, đơn vị trong toàn huyện...

Các cấp, các ngành đã chủ động xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch về bảo vệ trẻ em theo Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị như: Kế hoạch thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch thực hiện “Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn huyện Hướng Hóa; Kế hoạch thực hiện “Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn huyện Hướng Hóa; Kế hoạch triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 03/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, thị trấn phù hợp với trẻ em trên địa bàn huyện Hướng Hóa; Kế hoạch phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện Hướng Hóa giai đoạn 2020 - 2025.

Qua thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch của chính quyền các cấp đã đem lại một số kết quả như sau: Công tác xây dựng, duy trì và phát triển các địa điểm vui chơi, giải trí, các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao cho trẻ em được chú trọng. Hiện nay có 21/21 xã, thị trấn có nhà văn hóa cộng đồng, trung tâm sinh hoạt cộng đồng đủ điều kiện tổ chức được các hoạt động vui chơi cho trẻ em; chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước được triển khai hàng năm, nhiều xã, thị trấn đã phối hợp tổ chức các lớp dạy bơi và được đông đảo các em tham gia; chương trình bảo vệ trẻ em bị bóc lột, bạo hành được triển khai ngày càng hiệu quả; các hoạt động nhân Tháng hành động vì trẻ em, Ngày quốc tế Thiếu nhi 01/6, Tết Trung thu được các địa phương, đơn vị tổ chức hằng năm với nhiều hình thức, như tổ chức lễ phát động, liên hoan văn nghệ, hội thi, trao học bỗng, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức thành viên tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, thực hiện quyền trẻ em ở địa phương, tích cực tham gia trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tại gia đình và cộng đồng dân cư, thông qua việc tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Tổ chức cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu”; các phong trào “Áo lụa tặng bà”, “Ủng hộ các bạn vùng sâu, vùng xa, vùng bị bão lũ”, xây dựng Quỹ “Vì bạn nghèo”, “Hủ gạo tình thương”... thiết thực thu hút đoàn viên, hội viên tham gia, góp phần nâng cao nhận thức cho trẻ em về tình đoàn kết, tương thân tương ái, tinh thần vượt khó, hướng đến cội nguồn, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương, gia đình. Phong trào “Học mà chơi, chơi mà học” và các cuộc thi “Nét đẹp đội viên”, “Tuyên truyền măng non”; Chương trình “Vòng tay bè bạn”, “Vượt khó học tốt”, “Tin học trẻ”, “Sáng Tạo trẻ”… đã tạo ra sân chơi bổ ích cho đội viên, kích thích sự phát triển năng khiếu, thể chất, trí tuệ, sự năng động sáng tạo của các em, đồng thời tạo cơ hội cho các em được giao lưu, học hỏi, hình thành kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp.

Việc xã hội hóa trong huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để phục vụ công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được cả hệ thống chính trị từ huyện đến các xã, thị trấn quan tâm, tổ chức nhiều phong trào, cuộc vận động hằng năm như: Cuộc vận động Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo nhằm vận động các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm, lãnh đạo huyện, thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị trên bàn huyện nhận đỡ đầu và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; các phong trào khuyến học, khuyến tài Vì em hiếu học,Tiếp sức đến trường, Ánh trăng rằm, Mái ấm khuyến học được đông đảo các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ các em, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để vươn lên trong học tập...

Việc phối hợp bảo đảm quyền trẻ em trong thiên tai dịch bệnh, đặc biệt trước tác động của dịch Covid-19 được chú trọng. Các trường học trên địa bàn đã tích cực phối hợp với lực lượng cứu hộ tại địa phương trong công tác ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho các em; huy động mọi nguồn lực của xã hội để hỗ trợ cho các em các trang thiết bị phục vụ cho việc học tập, đi lại, giúp các em vượt qua khó khăn. Phối hợp triển khai tuyên truyền, hướng dẫn các em học sinh thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; tùy theo mức độ dịch cho học sinh nghỉ học, học trực tuyến và học trực tiếp; phối hợp, huy động mọi nguồn lực thực hiện Chương trình “Sống và máy tính cho em”...

Hiện nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng 21 mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng; 09 mô hình phòng chống kết hôn trẻ em; duy trì hoạt động 52 nhóm trẻ nòng cốt với 1.210 trẻ; thành lập 19 câu lạc bộ thủ lĩnh với 475 thành viên ở cộng đồng thôn, bản. Nội dung chủ yếu là tham gia, tập trung triển khai các hoạt động như: Truyền thông, tập huấn, tổ chức diễn đàn, hội thi... Định kỳ hàng tháng các câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt với các chủ đề về quyền trẻ em, phòng chống kết hôn trẻ em, sức khỏe sinh sản vị thành niên với sự tham gia đông đảo của các em, đặc biệt là trẻ em gái.

Qua tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

- Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chăm sóc và bảo vệ trẻ em, trọng tâm là công tác tuyên truyền, vận động các các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tham gia vào chương trình bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên địa bàn, thu hút các nguồn lực trong xã hội tham gia để thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách liên quan đến chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; tạo môi trường cho trẻ em được học tập, tham gia các hoạt động xã hội, đảm bảo thực hiện tốt các quyền lợi trẻ em; làm tốt công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục trẻ em.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, công tác quản lý Nhà nước về chăm sóc, bảo vệ trẻ em; đồng thời làm tốt công tác tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm; phát hiện, biểu dương và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, những khó khăn, thách thức và bài học kinh nghiệm được rút ra, trong thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đẩy mạnh vận động, tuyên truyền các tổ chức, cộng đồng, gia đình, cá nhân và trẻ em tham gia rộng rãi, tích cực thực hiện các quyền của trẻ em, chung tay giải quyết các vấn đề về trẻ em. Phát hiện và biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến, những tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; phê phán, lên án, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại, bạo lực, lôi kéo trẻ em vào hoạt động tội phạm và cản trở việc thực hiện các quyền của trẻ em. Chú trọng tuyên truyền các mô hình, điển hình làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, giáo dục thông qua sự gương mẫu của ông bà, cha mẹ, người lớn.

Nguyễn Đăng Thái
loading....