Theo báo cáo của huyện ủy Hướng Hóa, với sự đồng thuận, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, các tầng lớp Nhân dân và doanh nghiệp, 8 tháng đầu năm 2022 đã đạt được những kết quả tích cực, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, khôi phục sản xuất, hỗ trợ, thu hút đầu tư, ổn định đời sống Nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong toàn huyện. Tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch sản xuất năm 2022 thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh liên kết, phát triển các mô hình nông nghiệp, duy trì các cây trồng chủ lực như cà phê, sắn, chuối, lúa nước… Tổng diện tích gieo trồng đạt 8.948,5ha (đạt 100,6% kế hoạch, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước). Chăn nuôi phát triển ổn định. Lâm nghiệp tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo các đơn vị, địa phương và các chủ rừng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển ổn định; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 4.203,1 tỷ đồng, (tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước). Thương mại, dịch vụ, du lịch trên đà phục hồi, chuyển biến rõ nét, đảm bảo nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của Nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu thương mại - dịch vụ ước đạt 5.764,5 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 70,29% kế hoạch năm 2022. Tập trung chỉ đạo tăng cường các nguồn thu, tính đến ngày 31/8/2022 tổng thu ngân sách đạt 660,191 tỷ đồng (dự toán 730,223 tỷ đồng) đạt 90,41% so với kế hoạch. Tổng chi ngân sách nhà nước là 437,844 tỷ đồng (dự toán 726,573 tỷ), đạt 60,26% so với kế hoạch.
Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển toàn diện, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức, phối hợp tổ chức và tham gia tốt các hoạt động chào mừng các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở. Phối hợp khảo sát các địa điểm du lịch trên địa bàn huyện, chỉ đạo phát triển du lịch theo hướng mô hình Homestay, Farmstay, du lịch cộng đồng... hoạt động có hiệu quả. Các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện. Quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được chú trọng. Công tác biên giới, dân tộc, tôn giáo được quan tâm. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được phát huy, góp phần củng cố khối đại đoàn két toàn dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Tuy nhiên, tình hình của huyện vẫn nổi lên những hạn chế, khó khăn nhất định: Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy Đảng và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị có lúc, có nơi thiếu quyết liệt trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Công tác nắm tình hình dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng của người dân có lúc chưa kịp thời. Tình hình đơn thư kiếu nại, tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên vẫn còn xảy ra. Kinh tế phát triển còn thiếu vững chắc, sản xuất nông nghiệp chưa tạo được đột phá, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị và ứng dụng khoa học kỹ thuật còn chậm; chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là việc xây dựng các mô hình trong liên kết tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm còn lúng túng. Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các xã miền núi. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa có các nhà máy sản xuất lớn trên địa bàn. Hoạt động thương mại, dịch vụ hiệu quả chưa cao, gặp rất nhiều khó khăn. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường còn bất cập, nhất là công tác quản lý đất đai; việc số hóa dữ liệu đất đai chưa được triển khai thực hiện; việc cấp đất, cho thuê đất bị chồng lấn trong những năm trước đến nay chưa khắc phục triệt để; nhiều vụ việc khiếu kiện, khiếu nại, tranh chấp đất đai kéo dài, chưa giải quyết dứt điểm. Tình trạng phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm ma tuý, trộm cắp tài sản có chiều hướng gia tăng.
Sau khi nghe báo cáo của huyện, ý kiến phát biểu của các đồng chí dự họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phát biểu kết luận buổi làm việc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của huyện Hướng Hóa trong 08 tháng đầu năm, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch so với cùng kỳ năm trước, sẽ tạo đà cho huyện thực hiện thắng lợi chỉ tiêu của cả năm; đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Hướng Hóa nghiêm túc khắc phục những hạn chế đã chỉ ra và cần tập trung lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm: Với vị trí là huyện miền núi biên giới phía Tây của tỉnh, bên cạnh có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế thương mại biên giới, du lịch sinh thái, công nghiệp năng lượng tái tạo, thì Hướng Hóa đối mặt với nhiều khó khăn thực tại của một huyện miền núi. Vì vậy yêu cầu đặt ra đối với Hướng Hóa phải là biết tranh thủ các nguồn lực, tận dụng khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để thúc đẩy sản xuất trên tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh xác định phát triển kinh tế là quan trọng, văn hóa - xã hội là nền tảng, xây dựng đảng là then chốt, Hướng Hóa cần quan tâm làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo, công tác đối ngoại gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh biên giới.
Trong định hướng phát triển chung của tỉnh, Hướng Hóa cần làm tốt công tác quy hoạch, xác định được các khu vực trọng điểm kinh tế, vùng sản xuất tập trung, phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp năng lượng … để tâp trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, vừa khai thác tiềm năng, lợi thế, vừa kết nối hài hòa với tổng thể phát triển chung của tỉnh và các địa phương giáp ranh của nước bạn Lào. Trong đó, cần quan tâm đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp; lồng ghép và triển khai có hiệu quả 03 chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên môi trường, phát triển và bảo vệ rừng… tạo được quỹ đất sạch để thu hút đầu tư phát triển sản suất kinh doanh.
Cùng với phát triển kinh tế, huyện cần quan tâm hơn nữa đến phát triển văn hóa - xã hội. Nâng cao chất lượng hệ thống y tế; giáo dục; thực hiện tốt công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy, đảm bảo ổn định an ninh nông thôn, làng bản.
Đảng bộ huyện cần tiếp tục coi trọng và quyết tâm hơn, tập trung xây dựng đảng bộ vững mạnh về mọi mặt; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, củng cố xây dựng đoàn kết nội bộ. Chủ động xây dựng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xóa thôn trắng đảng viên và tổ chức đảng. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội trong giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền; phối hợp, tuyên truyền vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các kiến nghị đề xuất của huyện là chính đáng, xuất phát từ tình hình thực tiễn địa phương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, giải quyết trong tổng thể chung, đồng thời đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương những nội dung thuộc thẩm quyền theo quy chế làm việc.