Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng kiến nghị Trung ương tạo điều kiện cho các dự án ở Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo đang gặp khó khăn do cơ chế chính sách thay đổi được chuyển đổi ngành nghề, mục tiêu hoạt động
GRDP của 25 tỉnh biên giới đều tăng trưởng dương
Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài khoảng 4.924 km, tiếp giáp với các nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia. Trong những năm qua, tình hình an ninh, quốc phòng khu vực biên giới được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, tạo nền móng vững chắc cho kinh tế phát triển.
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do COVID-19 nhưng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong 6 tháng đầu 2021 của 25 địa phương biên giới đều tăng trưởng dương, trong đó 20 tỉnh có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước; 13/25 tỉnh biên giới có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của cả nước; sản xuất nông nghiệp ở khu vực biên giới được duy trì, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần đảm bảo an sinh trong đại dịch. Quan hệ qua biên giới được các tỉnh, khu vực biên giới thực hiện tốt, tạo điều kiện thuận lợi duy trì mô hình thông quan phòng dịch, đảm bảo thương mại qua biên giới không bị gián đoạn.
Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế khu vực biên giới Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như: Kinh tế - xã hội (KTXH) các vùng biên giới còn chậm phát triển so với mặt bằng chung của tỉnh biên giới nói riêng, cả nước nói chung. Cơ cấu kinh tế khu vực biên giới chậm chuyển dịch, chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp. Thương mại biên giới quy mô nhỏ, mất cân đối. Độ che phủ điện khu vực biên giới còn thấp. Nguồn vốn đầu tư hạ tầng hạn chế. Buôn lậu, gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp.
Tham gia ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, tỉnh Quảng Trị có Khu Kinh tế Lao Bảo được Chính phủ thành lập năm 1998 và nâng cấp thành Khu Kinh tế- Thương mại (KTTM) đặc biệt Lao Bảo vào năm 2005. Sau hơn 20 năm đầu tư, đến nay công tác quy hoạch cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu tại đây được quan tâm đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, quá trình vận hành, phát triển Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chỉ mới tập trung ở khu vực trung tâm trong khi khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, thôn, bản còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, công tác điều chỉnh, quản lý quy hoạch còn bất cập, chồng chéo cần được tiếp tục rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Các loại hình dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Cơ chế, chính sách của Chính phủ dành cho Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo thiếu tính ổn định, bền vững ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư, hộ kinh doanh.
Tỉnh kiến nghị Bộ Công thương tạo điều kiện để tỉnh thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, các dự án FDI đến từ các nước vào các lĩnh vực ngành nghề có lợi thế của địa phương vào khu vực này. Đồng thời, tạo điều kiện cho các dự án gặp khó khăn do cơ chế chính sách thay đổi ở Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo được chuyển đổi ngành nghề, mục tiêu hoạt động. Hỗ trợ tỉnh phát triển dịch vụ logistic, xây dựng khu vực này trở thành trung tâm tập kết, trung chuyển hàng hóa Việt Nam xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của các nước trên Hành lang kinh tế Đông Tây qua cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo. Quan tâm tạo điều kiện để Đề án phát triển Khu KTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo (Việt Nam) – Đensavẳn ( Lào) sớm được phê duyệt và trở thành hiện thực…
Tích hợp quy hoạch phát triển khu vực biên giới vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030
Hội nghị thống nhất 8 nhóm quan điểm và giải pháp phát triển kinh tế khu vực biên giới theo đề xuất của Bộ Công thương như: Cơ chế, chính sách là đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư phát triển khu vực biên giới. Tận dụng tốt quan hệ qua biên giới để thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu; kịp thời nâng cấp và mở mới các cặp cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu giao thương của Nhân dân, doanh nghiệp các nước chung biên giới. Thu hút các doanh nghiệp công nghiệp lớn đầu tư vào khu vực biên giới để tạo động lực phát triển kinh tế khu vực biên giới. Kiểm soát chặt chẽ thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gia lận thương mại, tạo môi trường lành mạnh cho thương mại biên giới phát triển.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các tỉnh biên giới tập trung rà soát và đề xuất các nội dung về đầu tư phát triển khu vực biên giới, quy hoạch phát triển công nghiệp và thương mại, phát triển hạ tầng trên địa bàn để tích hợp vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các tỉnh chủ động nghiên cứu đề xuất Bộ Công thương tham mưu Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá, đa dạng hóa hình thức đầu tư, hình thức quản lý để tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng hoặc thu hút đầu tư vào khu vực biên giới.
Về giao thông, cần ưu tiên bố trí vốn để sớm xây dựng các dự án đường bộ nối khu vực biên giới, cửa khẩu biên giới với trung tâm vùng, các cảng biển, mở rộng đường giao thông nối các xã biên giới.
Về hạ tầng thương mại biên giới ưu tiên đầu tư các loại hình hạ tầng thương mại biên giới hiện đại, đặc biệt là các trung tâm dịch vụ logistic gắn với các khu cửa khẩu. Sớm xem xét ban hành chương trình phát triển điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 để huy động đủ nguồn lực triển khai đưa lưới điện quốc gia đến tất cả các thôn, bản biên giới…