SỨC MẠNH BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO LÀ SỨC MẠNH TỔNG HỢP QUỐC GIA 

Bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, vấn đề bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề mang tính nguyên tắc, không thể nhân nhượng và trở thành điều thiêng liêng của mỗi quốc gia, dân tộc. Đối với nước ta, vấn đề Biển Đông đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng giải quyết, vì mục tiêu tối thượng lợi ích đất nước,góp phần giữ vững sự ổn định an ninh chính trị và môi trường hòa bình trong khu vực, đồng thời thể hiện sự tôn trọng đối với bao thế hệ cha ông chúng ta đã xây dựng, gìn giữ, phát triển từng tấc đất, mặt nước, vùng trời của Tổ quốc.

Với tầm nhìn về vai trò quan trọng của biển đảo, ông cha chúng ta từ xa xưa đã đổ biết bao công sức để khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển, đảo khác, khi mà chúng chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào. Tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS 1982), Việt Nam kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng biện pháp hòa bình, trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, thông qua nhiều bằng chứng pháp lý và lịch sử thuyết phục.

* Cứ liệu lịch sử từ thời các nhà nước phong kiến

Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là các hòn đảo vô chủ cho đến thế kỷ XVII. Lúc bấy giờ, hai quần đảo được thể hiện liền một dải, bao gồm cả Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa và ban đầu được người Việt gọi chung một tên nôm là Bãi Cát Vàng (thể hiện trong bản đồ cổ của Việt Nam mang tên “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” do nhà địa lý Đỗ Bá biên soạn và hoàn thành năm 1686).

Vào nửa đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn tổ chức “đội Hoàng Sa” lấy người từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa ra quần đảo Hoàng Sa thâu lượm hàng hóa, khí cụ trên các tàu mắc cạn và đánh bắt hải sản quý hiếm mang về dâng nộp. Chúa Nguyễn lại tổ chức thêm “đội Bắc Hải” lấy người thôn Tứ Chính hoặc xã Cảnh Dương, phủ Bình Thuận, cấp giấy phép ra quần đảo Trường Sa với cùng nhiệm vụ như đội Hoàng Sa. Các hoạt động này được ghi nhận trong nhiều tài liệu lịch sử

- Thư tịch cổ

+ “Phủ biên tạp lục” - cuốn sách do nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) biên soạn năm 1776 là tài liệu cổ xưa, chép rõ đảo Đại Trường Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa) thuộc phủ Quảng Nghĩa. Lê Quý Đôn miêu tả tỉ mỉ tình hình địa lý, tài nguyên ở Hoàng Sa và Trường Sa và công việc khai thác của chúa Nguyễn đối với 2 quần đảo này.

+ “Đại Việt sử ký tục biên” (1676-1789) là bộ chính sử do Quốc sử viện thời Lê-Trịnh biên soạn, trong đó đoạn ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa căn bản không khác ghi chép của Lê Quý Đôn. Ý nghĩa của “Đại Việt sử ký tục biên” chính là tác phẩm này đã biến ghi chép khoa học, khách quan của Lê Quý Đôn thành một nội dung của bộ Quốc sử, chuyển tinh thần cơ bản của bản viết tay của Lê Quý Đôn thành bản khắc in chính thức trên danh nghĩa quốc gia.

+ “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú là bộ bách khoa thư lớn của thế kỷ XIX, được hoàn thành vào năm 1821 có phần dư địa chí chép về Hoàng Sa từ địa thế, sản vật đến việc tổ chức Đội Hoàng Sa.

+ “Đại Nam thực lục chính biên” là bộ sử ký do Quốc sử quán triều đình nhà Nguyễn soạn, viết về các đời vua Nguyễn. Phần viết về đời Vua Gia Long (1802-1819), Vua Minh Mệnh (1820-1840), Vua Thiệu Trị (1841-1847) được soạn xong năm 1848, ghi sự kiện Vua Gia Long chiếm hữu các đảo Hoàng Sa; sự kiện Vua Minh Mệnh cho xây miếu, dựng bia, trồng cây, đo đạc, vẽ bản đồ các đảo này.

+ “Đại Nam nhất thống chí” là bộ sách địa lý chính thức của nước Việt Nam, do Quốc sử quán thời Tự Đức biên soạn từ năm 1865-1910. Phần nói về tỉnh Quảng Ngãi xác định các đảo Hoàng Sa thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi và công việc khai thác các đảo này vẫn tiếp tục, việc quản lý được tăng cường dưới các đời Vua Gia Long và Minh Mệnh.

- Các bản đồ cổ

+ Theo“Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá, tự Công Đạo sưu tầm, biên soạn và hoàn thành năm 1686, ít nhất đến thế kỷ XVII, bản đồ Việt Nam đã gọi hai quần đảo bằng cái tên chung là Bãi Cát Vàng và ghi nó vào địa hạt huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa. Lúc đó, Bãi Cát Vàng còn được gọi bằng nhiều tên khác như: Hoàng Sa, Cồn Vàng, Trường Sa, Đại Hoàng Sa, Đại Trường Sa, Vạn lý Trường Sa… và ngày nay là Hoàng Sa và Trường Sa.

+ “Giáp Ngọ bình Nam đồ” - bản đồ xứ Đàng Trong do Đoan quận công Bùi Thế Đạt vẽ năm 1774, Bãi Cát Vàng cũng được vẽ là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam.

+ “Đại Nam nhất thống toàn đồ” hoàn thành trong khoảng năm 1838 dưới thời vua Minh Mệnh. Trên bản đồ có ghi hai tên “Hoàng Sa” và “Vạn lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam.

+ “An Nam đại quốc họa đồ” của Giám mục Jean Louis Taberd năm 1838, trong đó có vẽ 9 dấu chấm nhỏ tượng trưng cho khu vực được đánh dấu là Paracels seu Cát Vàng (Paracels hay là Cát Vàng).

+ “Bộ Atlas thế giới” xuất bản ở Brussels 1827

“Bộ Atlas thế giới” của Philippe Vandermaelen (1795-1869) - nhà địa lý học kiệt xuất, thành viên Hội Địa lý Paris, xuất bản năm 1827 tại Brussels là một bằng chứng hùng hồn về giá trị pháp lý quốc tế cao, bổ sung vào kho bằng chứng khổng lồ chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

- Văn bản hành chính cổ

Các Châu bản triều Nguyễn là bằng chứng rõ ràng về quá trình thực thi chủ quyền của các nhà nước phong kiến Việt Nam ở hai quần đảo này. Điển hình như:

+ Các bản tấu của Thủ ngự Đà Nẵng về việc thuyền của Pháp mắc cạn ở Hoàng Sa (27-6-1830 - năm Minh Mệnh thứ 11)

+ Bản dụ của vua Minh Mệnh thứ 16 (11-7-1835) và vua Minh Mệnh thứ 18 (13-7-1837) về các đoàn đi công vụ ở Hoàng Sa

+ Năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), Bộ Công dâng sớ lên tâu vua rằng: “Bản quốc Hải cương Hoàng Sa xứ, tối thị hiểm yếu” (Xứ Hoàng Sa thuộc cương vực biển nước ta, hết sức hiểm yếu).

+ Các bản tấu của Bộ Công (13-7-1837 - năm Minh Mệnh thứ 18) về việc phạt những người đi Hoàng Sa không lập xong bản đồ, về việc phái đoàn công vụ lên đường ra Hoàng Sa nhưng do gặp gió lớn mà không xuất phát được...

+ Đặc biệt có tờ tấu của Bộ Công (21-6-1838 - năm Minh Mệnh thứ 19) cho biết đoàn khảo sát Hoàng Sa trở về báo cáo đã đến được 25 đảo thuộc 3 vùng, (trong đó có 12 hòn đảo đoàn đến kiểm tra lại, còn 13 đảo đoàn chưa từng đến. “Theo viên dẫn đường Vũ Văn Hùng thì toàn bộ xứ Hoàng Sa có 4 vùng, lần này khảo sát được 3 vùng, còn một vùng ở phía Nam, nơi này cách nơi kia khá xa, gió Nam lại thổi mạnh, việc khởi hành đến đó không tiện, phải đợi gió thuận thì muộn, xin đợi đến sang năm cử thuyền đến đó. Lại xem xét 4 bản đồ mang về (có 3 bức vẽ riêng từng vùng, 1 bức vẽ chung), cùng một bản nhật ký cũng chưa được tu sửa hoàn chỉnh, xin cho Bộ Thần thẩm tra kỹ và sức cho họ chỉnh sửa hoàn thiện để dâng trình”.

- Tư liệu từ nhiều nhà hàng hải, giáo sĩ phương Tây

Sách trắng của Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố năm 1982 dẫn các nguồn tư liệu lịch sử có ghi rõ một số sự kiện như sau:

Một giáo sĩ phương Tây đi trên tàu Amphitrite từ Pháp sang Trung Quốc năm 1701, viết trong một lá thư rằng: “Paracel là một quần đảo thuộc vương quốc An Nam”.

J.B. Chaigneau, cố vấn của vua Gia Long, năm 1820 đã viết trong phần chú thích bổ sung vào cuốn Hồi ký về nước Cochinchine: “Nước Cochinchine mà nhà vua bấy giờ đã lên ngôi hoàng đế gồm xứ Cochinchine và xứ Đông Kinh (5)… một vài đảo có dân cư không xa bờ biển và quần đảo Paracel do những đảo nhỏ, ghềnh và đá không có dân cư hợp thành…”.

Giám mục J.L.Taberd, trong bài “Ghi chép về địa lý nước Cochinchine” xuất bản năm 1837, cũng mô tả “Pracel hay Paracels” là phần lãnh thổ nước Cochinchine và nói rõ người Cochinchine gọi Pracel hay Paracels là “Cát Vàng”. Trong “An Nam đại quốc họa đồ” xuất bản năm 1838, ông đã vẽ một phần của Paracel và ghi “Paracel hay Cát Vàng” (Paracel seu Cát Vàng) ở ngoài các đảo ven bờ miền trung Việt Nam, vào khu vực quần đảo Hoàng Sa hiện nay.

Trong bài “Địa lý vương quốc Cochinchina” của Gutzlaff xuất bản năm 1849, có đoạn nói rõ Paracels thuộc lãnh thổ Việt Nam và chú thích cả tên Việt Nam là “Kát Vàng”.

Các sách lịch sử, địa lý cổ của Việt Nam cũng như chứng cứ của nhiều nhà hàng hải, giáo sĩ phương Tây ở Phần I bài viết đã cho thấy, từ lâu và liên tục trong hàng mấy trăm năm, từ triều đại này đến triều đại khác (từ thời chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn) đã thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa dưới các hình thức và biện pháp khác nhau. Khi thiết lập chế độ bảo hộ đối với Việt Nam, Pháp nhân danh Việt Nam thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các chính quyền miền Nam Việt Nam sau này cũng đều phản đối kiên quyết tất cả các trường hợp xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sau khi thiết lập chế độ bảo hộ đối với Việt Nam theo Hiệp ước ngày 6/6/1884, Pháp nhân danh Việt Nam thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong thời kỳ đầu, các nhà cầm quyền Pháp đã có phương án dựng một đèn biển ở quần đảo Hoàng Sa, tiến hành các cuộc tuần tiễu trong vùng biển hai quần đảo bằng các tàu chiến để đảm bảo an ninh. Từ năm 1925 đến năm 1927, Viện Hải dương học Nha Trang cử tàu De Lanessan ra cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để nghiên cứu về hải dương, địa chất, sinh vật…

Từ năm 1930 đến 1932, các tàu chiến Inconstant, Alert, La Malicieuse và cả tàu De Lanessan liên tiếp ra quần đảo Hoàng Sa.

Từ năm 1930 đến năm 1933, các đơn vị hải quân Pháp lần lượt đóng tại các đảo chính của quần đảo Trường Sa, gồm: Trường Sa, An Bang, Ba Bình, nhóm Song Tử, Loại Ta và Thị Tứ. Việc này được công bố trong Công báo của nước Cộng hòa Pháp ra ngày 26/7/1933. Cũng trong năm 1933, quần đảo Trường Sa được quy thuộc vào tỉnh Bà Rịa theo Nghị định của Thống đốc Nam Kỳ J. Krautheimer.
Năm 1938, quần đảo Hoàng Sa được nhập vào tỉnh Thừa Thiên. Nhà cầm quyền Đông Dương đã cho một đơn vị quân đội ra đóng tại quần đảo Hoàng Sa và lập các trạm khí tượng, vô tuyến điện, xây dựng thêm bia chủ quyền, đèn biển.

Đầu năm 1939, Nhật Bản tuyên bố đặt một số đảo của quần đảo Trường Sa thuộc quyền tài phán của họ, Pháp đã chính thức phản kháng. Từ năm 1939 cho đến hết cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Nhật Bản đã chiếm đóng cả hai quần đảo này.

Khi trở lại Đông Dương sau chiến tranh thế giới thứ hai, đầu năm 1947, Pháp đã yêu cầu Trung Quốc rút khỏi các đảo của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ đã chiếm đóng trái phép từ cuối năm 1946. Pháp đã cho quân đến thay thế quân đội Trung Quốc và xây dựng lại trạm khí tượng và đài vô tuyến điện.

Năm 1956, khi rút khỏi Đông Dương, Pháp đã chuyển giao lãnh thổ miền Nam Việt Nam cho nhà cầm quyền Sài Gòn. Nhà cầm quyền Sài Gòn đã cho quân ra tiếp quản hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, xây dựng các bia chủ quyền tại các đảo chính, duy trì các trạm khí tượng (các trạm này đã được đăng ký vào danh mục các trạm của Tổ chức Khí tượng thế giới OMM), cử các đoàn khảo sát khoa học ra nghiên cứu.

Lợi dụng việc Pháp rút khỏi Đông Dương, năm 1956, Trung Quốc đã đưa quân ra xâm chiếm nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa.

Năm 1974, lợi dụng việc quân đội chính quyền Sài Gòn phải đối phó với cuộc tiến công của lực lượng vũ trang của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trung Quốc dùng không quân và hải quân chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa. Lúc đó chính quyền Sài Gòn đã ra tuyên bố kịch liệt phản đối và đã thông báo cho các nước và Hội đồng bảo an LHQ về sự kiện này. Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng đã công bố lập trường 3 điểm bao gồm đề nghị các bên liên quan phải cùng nhau thương lượng để giải quyết vấn đề.

Trong tất cả các trường hợp xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các chính quyền miền Nam Việt Nam đều lên tiếng phản đối kiên quyết.

* Tại các hội nghị quốc tế

Trước và sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa đã nhiều lần được đưa ra các hội nghị quốc tế xem xét.

- Tại Hội nghị Cairo (tháng 11/1943), khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, những người đứng đầu các nước Anh, Mỹ và Cộng hòa Trung Hoa đã họp tại Cairo, thủ đô Ai Cập. Tuyên bố Cairo không ghi nhận quần đảo Paracel tức Hoàng Sa và Spratly tức Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

- Tại Hội nghị Potsdam (tháng 7/1945), những người đứng đầu 3 nước Liên Xô, Mỹ, Anh lại ra tuyên bố xác nhận lại một lần nữa Tuyên bố Cairo.

- Tại Hội nghị hòa bình San Francisco (tháng 8/1951) với sự tham gia của 51 quốc gia, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng đã được thừa nhận[1].

- Hội nghị Geneva năm 1954 về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang do các lực lượng của Pháp và Quốc gia Việt Nam quản lý.

- Điều 1 Hiệp định Paris năm 1973 nói rõ tất cả các nước tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Lúc này hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang do Việt Nam Cộng hòa quản lý, và là một bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.

Như vậy, theo luật pháp quốc tế đương thời về thụ đắc lãnh thổ, một quốc gia được coi là có chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ khi quốc gia đó chứng minh được mình đã chiếm hữu, thực thi, quản lý và khai thác lãnh thổ đó với tư cách Nhà nước một cách liên tục, hòa bình. Theo đó, Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.

Việt Nam tôn trọng và thực thi các quy định của Công ước Luật Biển 1982, đồng thời thể hiện nỗ lực và chủ trương nhất quán của mình trong việc hợp tác giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982.

Với chủ trương nhất quán thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, bất đồng trên biển, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng có hiệu quả Công ước Luật Biển 1982 để giải quyết các tranh chấp về phân định biển với các nước láng giềng, trong đó luôn đề cao nguyên tắc công bằng để tìm ra giải pháp hợp lý, cụ thể là: Việt Nam đã ký với Thái Lan Hiệp định về phân định biển ngày 9/8/1997; ký với Trung Quốc Hiệp định về phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ ngày 25/12/2000; ký với Indonesia Hiệp định về phân định thềm lục địa ngày 26/6/2003. Thực tiễn đàm phán, ký kết các văn kiện nêu trên đã thể hiện sự vận dụng sáng tạo các quy định của Công ước, đóng góp và làm phong phú thêm luật pháp quốc tế về phân định biển. Trên cơ sở các quy định của Công ước, Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán phân định và hợp tác cùng phát triển tại khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc; đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia và đàm phán về các vấn đề trên biển với các nước láng giềng khác.

Mặt khác, Việt Nam luôn tích cực đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển 1982. Theo đó, khi bàn về vấn đề tranh chấp Biển Đông, Việt Nam kiên trì yêu cầu “tôn trọng pháp luật quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982”, coi đây như một nguyên tắc để giải quyết và xử lý các tranh chấp liên quan đến biển đảo. Việt Nam đã nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN, kể cả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC); “Tuyên bố 6 điểm ngày 20/7/2012 của ASEAN về Biển Đông”; dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC, trong đàm phán Việt Nam và các nước thống nhất nguyên tắc COC phải sử dụng UNCLOS làm cơ sở). Điều đó cho thấy Việt Nam không chỉ chủ động thực hiện nghiêm túc các quy định của Công ước mà còn luôn có ý thức thúc đẩy việc tôn trọng và thực hiện đầy đủ các quy định của Công ước.

Phát triển kinh tế biển gắn với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hợp tác quốc tế về biển cũng là một nội dung quan trọng. Căn cứ các quy định của Công ước, Việt Nam đã và đang tiến hành có hiệu quả và triển khai các hoạt động kinh tế biển trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý, phục vụ phát triển đất nước. Việt Nam cũng chủ động thúc đẩy hợp tác cùng các bên liên quan trong việc bảo vệ môi trường biển, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống thiên tai và triển khai các biện pháp ngăn chặn tội phạm trên biển, góp phần thực hiện đầy đủ các quy định của Công ước.

Tại các diễn đàn liên quan, Việt Nam luôn khẳng định trong hoạt động sử dụng biển, các quốc gia phải tuân thủ đúng các quy định của Công ước Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo Công ước. Hằng năm, Việt Nam tích cực tham gia thảo luận và ủng hộ thông qua Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về “Đại dương và Luật Biển”. Trong những năm qua, Việt Nam tham gia tiến trình đàm phán xây dựng văn kiện pháp lý về về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia (BBNJ) trong khuôn khổ Công ước Luật Biển.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tham gia xây dựng nhiều cơ chế và văn kiện pháp lý quốc tế và khu vực liên quan đến biển như Công ước quốc tế về Tổ chức Vệ tinh hàng hải (INMARSAT), Hệ thống an toàn và cứu nạn hàng hải toàn cầu (GMDSS), tham gia Công ước Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và các công ước khác của IMO như Công ước quốc tế về phòng ngừa ô nhiễm từ tàu 1973 và Nghị định thư bổ sung 1978 (MARPOL 73/78), Công ước về Tìm kiếm cứu nạn 1979 (SAR 79), Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng trên biển 1974 (SOLAS 74), Công ước quốc tế về ngăn ngừa hành vi bất hợp pháp đe dọa an toàn hàng hải 1988 (SUA 88) và một số văn kiện pháp lý trong khuôn khổ Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) như Hiệp định về biện pháp của quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ khai thác IUU.

Ở cấp độ khu vực, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định chung trong khuôn khổ hợp tác ASEAN liên quan đến vận tải biển và dịch vụ vận tải như: Hiệp định khung ASEAN về tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa quá cảnh 1998, Hiệp định khung ASEAN về tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải liên quốc gia 2012.

Đây là những bằng chứng sinh động thể hiện thiện chí, sự tích cực, quyết tâm và cam kết thực tế của Chính phủ Việt Nam đối với việc tôn trọng và thực thi các quy định của Công ước Luật Biển 1982, đồng thời thể hiện nỗ lực và chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc hợp tác giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982, nhằm thúc đẩy hợp tác với các quốc gia, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông.

Trong bối cảnh tranh chấp phức tạp hiện nay ở Biển Đông, việc tôn trọng và tuân thủ đầy đủ Công ước Luật Biển 1982 càng có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực.

Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Song, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn chung sức, đồng lòng, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển để phát triển đất nước.

Những năm qua, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quân và dân ta triển khai tích cực các hoạt động bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Chúng ta đã “Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp, bảo vệ được chủ quyền biển, đảo, vùng trời và giữ được hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Đồng thời, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng nêu “nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt. Chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững”.

Hiện nay, sức mạnh tổng hợp của quốc gia, thế và lực của ta trên các vùng biển, đảo đã tăng lên nhiều. Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” trên biển, đảo không ngừng được củng cố, tăng cường. Các lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo từng bước được xây dựng, phát triển ngày càng vững mạnh hơn, trong đó Hải quân nhân dân Việt Nam được Đảng, Nhà nước ưu tiên đầu tư tiến thẳng lên hiện đại, có sự trưởng thành, lớn mạnh vượt bậc, đủ sức làm nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Bộ đội Hải quân cùng các lực lượng thực thi pháp luật khác trên biển (cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư…) không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy; kiên cường bám trụ nơi “đầu sóng, ngọn gió”; đêm ngày tuần tra, kiểm soát, khẳng định, bảo vệ chủ quyền, giữ bình yên biển, đảo, thực sự là điểm tựa tin cậy cho nhân dân yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế. Đặc biệt, mỗi khi phải đối mặt với tình huống phức tạp, căng thẳng, các lực lượng trên biển luôn nêu cao ý chí quyết tâm “còn người, còn biển, đảo”, “một tấc không đi, một li không rời”; thực hiện đúng đối sách, phương châm, tư tưởng chỉ đạo; khôn khéo, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia, an ninh, trật tự trên biển; không để xảy ra xung đột; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước.

Chúng ta cần thống nhất phương châm hành động “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “kiên định nguyên tắc chiến lược, linh hoạt về sách lược” trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng, bất di bất dịch, không thể để bị xâm phạm, không thể đánh đổi và không thể nhân nhượng. Các biện pháp bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo phải được triển khai mạnh mẽ, kiên quyết vì chúng ta có chính nghĩa, song cũng phải hết sức linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, thời điểm cụ thể; lấy bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc và giữ vững hòa bình, ổn định để đất nước phát triển làm mục tiêu tối thượng. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người dân Việt Nam, cho nên phải phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, có phân công, phân nhiệm rõ ràng cho từng cấp, từng lực lượng.

Sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là sức mạnh tổng hợp quốc gia, bao gồm và có sự kết hợp chặt chẽ tất cả các mặt trận, các lĩnh vực hoạt động: quốc phòng, an ninh, kinh tế, chính trị, ngoại giao, pháp lý... Trong đó, sức mạnh quốc phòng, an ninh giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Do vậy, phải xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên biển vững chắc, thế bố trí chiến lược các lực lượng có chiều sâu, liên hoàn bờ - biển - đảo, sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân khi có xung đột. Xây dựng các lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo, dự bị động viên, dân quân, tự vệ biển mạnh, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, trong đó Hải quân là lực lượng nòng cốt, cần tiếp tục được ưu tiên xây dựng tiến lên chính quy, hiện đại, ngang tầm nhiệm vụ. Chỉ có trên cơ sở phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp và tập trung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó Hải quân làm nòng cốt mới có thể bảo đảm được khả năng bảo vệ chủ quyền, duy trì hòa bình, ổn định lâu dài trên biển.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, muốn bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chúng ta phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường; đồng thời, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nêu cao tính chính nghĩa, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế, “kiên quyết, kiên trì đấu tranh”, tăng cường hợp tác quốc tế, “tạo sự đan xen lợi ích”, “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Xác định rõ, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề lâu dài, không thể nóng vội nên cần thường xuyên coi trọng và kiên trì hợp tác tìm kiếm biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, bảo vệ lợi ích chính đáng của ta, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của các nước trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Tăng cường công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại quốc phòng với các nước trong khu vực, các nước có vùng biển giáp ranh, chồng lấn để xây dựng lòng tin, tạo sự hiểu biết lẫn nhau, giảm bớt căng thẳng, kịp thời phối hợp giải quyết bất đồng và các vấn đề nảy sinh trên biển. Qua đó, hình thành môi trường thuận lợi cho bảo vệ chủ quyền biển, đảo, không để xảy ra xung đột, không để đất nước bị cô lập trong vấn đề Biển Đông, cùng các nước xây dựng vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, ổn định lâu dài.

Bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần phải có hệ thống chính sách, pháp luật chặt chẽ, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế. Do đó, trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Luật Biển Việt Nam, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong quản lý, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chú trọng nghiên cứu xây dựng các chính sách về phát huy tiềm năng, thế mạnh của biển; về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, bảo vệ biển, đảo. Sự kết hợp đó phải thể hiện rõ trong quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của quốc gia cũng như từng vùng, từng địa bàn, từng ngành. Đồng thời, phải hoàn thiện cơ chế chỉ đạo, chỉ huy, điều hành, phối hợp, hiệp đồng các lực lượng, các mặt trận đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo khi có tình huống.

Chúng ta phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh; giữa khai thác và bảo vệ biển; giữa xây dựng sức mạnh khai thác biển và sức mạnh bảo vệ biển. Kinh tế biển mạnh sẽ tạo điều kiện vật chất để tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh bảo vệ biển, đảo vững chắc, toàn vẹn. Ngược lại, quốc phòng, an ninh vững mạnh mới bảo vệ được biển, đảo, tạo ra môi trường, không gian, điều kiện thuận lợi, an toàn cho phát triển kinh tế biển bền vững. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải quán triệt, cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển. Quá trình phát triển kinh tế biển cần được kết hợp với tăng cường sức mạnh bảo vệ chủ quyền; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội biển, đảo và nâng cao đời sống nhân dân cần đi đôi với củng cố trang bị, cầu cảng, công trình phòng thủ, bố trí dân cư. Các lực lượng chuyên trách, trong đó có Hải quân tích cực tham gia phát triển kinh tế quốc phòng trên biển, đảo ở lĩnh vực thế mạnh, ưu tiên những vùng biển, đảo xa, tiền tiêu, còn nhiều khó khăn, góp phần tạo thế và lực cho đất nước trong hành trình bảo vệ và khai thác biển.

Chúng ta thực hiện nhất quán phương châm: Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam là hết sức thiêng liêng, nhưng cũng hết sức khó khăn, phức tạp và lâu dài. Trước sau như một, Việt Nam kiên quyết và kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, cả ở thực địa và trên mặt trận ngoại giao, qua nhiều kênh và ở nhiều cấp khác nhau để giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo luật pháp quốc tế.

Trong thời gian tới, dự báo tình hình quốc tế tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tranh chấp chủ quyền ranh giới biển và sự bất đồng giữa các nước tại Biển Đông tiếp tục ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và nước ta. Ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển với bảo tồn biển trở thành xu thế chủ đạo. Toàn cầu hóa và cách mạng khoa học - công nghệ tạo ra nhiều cơ hội và thách thức. Ở trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững; thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; an ninh, trật tự, an toàn xã hội vẫn là những khó khăn, thách thức lớn đòi hỏi công tác truyền thông cần định hướng, có bước đi đúng đắn, nâng cao nhận thức, tạo niềm tin và sự đồng thuận của toàn hệ thống chính trị, nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài. Vì thế, cần xác định rõ những yêu cầu sau đây:

Một là, tuyên truyền về biển, đảo cho cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài; nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển, đảo trong diễn biến tình hình trên Biển Đông. Bảo đảm sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong toàn lực lượng làm công tác tuyên truyền biển, đảo. Huy động được mọi nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội tham gia vào công tác tuyên truyền.

Hai là, cung cấp thông tin có định hướng, phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc thù các vùng miền... và phù hợp với từng thời điểm; thực hiện tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng nhanh chóng, hiệu quả yêu cầu của từng giai đoạn cụ thể; tiếp tục quan tâm đến việc giáo dục ý thức thực thi pháp luật trên biển; đấu tranh chống các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế trên biển; các hoạt động khai thác trái phép, vi phạm chủ quyền quốc gia, ảnh hưởng đến quan hệ các nước trong khu vực.

Tập trung thông tin về đường lối, chủ trương, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về các vấn đề liên quan đến biển, đảo và nội dung của Nghị quyết 36; vị thế, tiềm năng của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử và thực tiễn khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta về giải quyết, bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của nước ta trên biển.

Công tác tuyên truyền biển, đảo phải coi trọng chất lượng và phù hợp với các đối tượng khác nhau, đặc trưng của từng vùng, miền; phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng, già làng, trưởng bản, đoàn viên, hội viên. Kịp thời có định hướng tuyên truyền trong bối cảnh tình hình cụ thể, khi có phức tạp nảy sinh trên biển, đảo và ở Biển Đông.

Ba là, nội dung tuyên truyền về biển đảo phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề biên giới, lãnh thổ, về công tác tuyên truyền biển, đảo; cụ thể hóa được các quan điểm, mục đích, định hướng, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; phù hợp với bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và tình hình kinh tế - chính trị - quốc phòng - an ninh trong nước. Nội dung tuyên truyền về biển, đảo phải đa dạng, phong phú, gắn trực tiếp với nội dung của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, đồng thời bám sát tình hình thực tế, nhất là các diễn biến mới trên Biển Đông. Xây dựng các nội dung về các ngành kinh tế biển nhằm thu hút mạnh hơn các nguồn lực đầu tư, tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển, đảo; cổ vũ, động viên những tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế biển, đảo; các hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ môi trường, bảo tồn biển; vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng; vấn đề tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển; chính sách hậu phương quân đội; các hoạt động thăm hỏi động viên, chia sẻ đối với các cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đang công tác, làm việc, sinh sống trên biển và các đảo xa.

Bốn là, các hoạt động tuyên truyền về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển cần được tiến hành chủ động, tích cực, thường xuyên, liên tục. Coi trọng sự nhạy bén, chính xác trong việc cung cấp thông tin kịp thời, chính thống, có hiệu quả giữa các lực lượng tuyên truyền của cả hệ thống chính trị trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm và các tình huống đột xuất; coi trọng việc đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền; lồng ghép công tác tuyên truyền biển, đảo với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chương trình, kế hoạch của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn cả nước.

Năm là, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, phát huy thế mạnh của hình thức tuyên truyền miệng, đặc biệt là đưa các nội dung tuyên truyền biển, đảo vào các hội nghị báo cáo viên từ Trung ương đến các địa phương nhằm cung cấp, cập nhật thông tin, kiến thức về biển, đảo.

Phát huy thế mạnh của khoa học và công nghệ, các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là internet, phát thanh, truyền hình, báo điện tử và mạng xã hội nhằm tác động sâu rộng, kịp thời và hiệu quả đến cộng đồng, dư luận trong và ngoài nước.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền gắn với các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Bảy là, xây dựng hệ thống tài liệu tuyên truyền biển, đảo thống nhất về nội dung, đa dạng về hình thức, phù hợp với yêu cầu của nhiều loại đối tượng khác nhau; nghiên cứu, tổng hợp các nội dung về cơ sở pháp lý, căn cứ lịch sử và thực tiễn trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xây dựng các phương án tuyên truyền phù hợp với các tình huống phức tạp có thể xảy ra trên Biển Đông và trong mối quan hệ với các nước láng giềng. Biên soạn, xuất bản, phát hành các tài liệu tuyên truyền cần kịp thời, có giá trị, tạo hiệu ứng tốt; xây dựng các tài liệu tuyên truyền nội bộ để phổ biến tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, định hướng dư luận.

Tám là, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đối ngoại về biển, đảo nhằm giữ gìn, vun đắp mối quan hệ hữu nghị, hòa bình, hợp tác, cùng phát triển với các quốc gia trong khu vực, trên thế giới; tăng cường sự hiểu biết, quan tâm, ủng hộ, đoàn kết của cộng đồng quốc tế đối với cách thức giải quyết các vấn đề phức tạp trên Biển Đông cũng như quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam; đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch xoay quanh vấn đề chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, trao đổi, đối thoại với các cá nhân, tổ chức có nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ hoặc sai lệch quan điểm, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo.

Nhân dân ta từ lâu đã đúc kết: “trong ấm, ngoài êm”. Đây không chỉ là bài học sâu sắc về đối nhân, xử thế trong mỗi gia đình mà còn cả quốc gia. Lịch sử dân tộc nhiều lần chứng minh, khi nội bộ đoàn kết, lòng dân hòa thuận thì biên cương, bờ cõi yên ổn. Nhưng khi trên dưới bất hòa, lòng dân ly tán, ắt ngoại bang sẽ nhòm ngó, xâm lăng. Suy ra, trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, “biển yên” thì “bờ ấm”, có bảo vệ được bình yên biển, đảo thì trong nước mới ổn định, phát triển. Ngược lại, “trong bờ có ấm, ngoài biển mới yên”, đất nước có ổn định, phát triển mới tạo ra thế và lực để bảo vệ biển, đảo. Vậy nên, cần phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biển, đảo. Củng cố niềm tin và tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong hệ thống chính trị và nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Khi “ý Đảng” đã hợp với “lòng dân” sẽ tạo sức mạnh vô địch, đập tan những mưu đồ của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề biển, đảo chống phá nước ta; đồng thời tạo ổn định chính trị trong nước để phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong bờ, ngoài biển. Và khi đó sẽ khơi dậy được lòng tự hào, tự tôn, truyền thống, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc; hình thành mặt trận chính trị rộng lớn của nhân dân cả nước hướng về biển, đảo quê hương, chung sức đồng lòng bảo vệ biển, đảo Tổ quốc./. V.L

 


[1] Tại Hội nghị này, trưởng đoàn đại biểu chính quyền Bảo Đại là Trần Văn Hữu đã khẳng định chủ quyền lâu đời của nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp bất cứ sự phản đối nào của 50 quốc gia tham dự còn lại. Sự kiện đó chứng tỏ Hội nghị San Francisco đã mặc nhiên công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Sưu tầm
loading....