Sắn, cây thoát nghèo và làm giàu cho nông dân Vân Kiều, Pa Kô ở miền núi Quảng Trị 

Những năm qua, cùng với các cây trồng: Cà phê, hồ tiêu, chuối..., sắn đã trở thành cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân, đặc biệt là nông dân dân tộc Vân kiều, Pa Kô ở các bản làng, huyện vùng cao Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Người dân thu hoạch sắn

Thoát nghèo và làm giàu nhờ cây sắn

Từ bao đời nay, sắn vốn là cây trồng quen thuộc, phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào dân tộc tộc Vân Kiều, Pa Kô ở huyện vùng cao Hướng Hóa, Quảng Trị, đặc biệt ở vùng Lìa, gồm 7 xã: Thanh, Thuận, Hướng Lộc, Lìa, Xy, A Dơi, Ba Tầng, xưa nay vẫn được xem là vùng “rốn sắn”. Trước đây, sắn là cây lương thực cứu đói của người dân. Nhưng từ khi nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa xây dựng tại xã Thuận đưa vào hoạt động, sắn trở thành cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà vươn lên khá giàu.

 Là một trong 7 xã vùng Lìa của huyện Hướng Hóa, xã Thanh là địa phương có diện tích sắn lớn nhất của huyện, với hơn 700 ha. Từ diện tích sắn trên, mỗi vụ nông dân của xã này cung ứng cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa hơn 10.000 tấn sắn nguyên liệu. Cây sắn trở thành nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ gia đình đồng bào dân tộc Vân Kiều của xã này.

Ông Hồ A Cất, Chủ tịch UBND xã Thanh, huyện Hướng Hóa cho biết: Bên cạnh mở rộng diện tích sắn theo quy hoạch, được sự hỗ trợ của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, hướng dẫn về kỹ thuật và phân bón, nông dân trên địa bàn tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất và hàm lượng tinh bột trong sắn củ tăng. Nhờ đó, giá xuất bán sắn tươi cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa cũng cao hơn hẳn so với các xã khác cùng địa bàn. Những năm gần đây, phần lớn nông dân trên địa bàn xã đã thoát nghèo và khá giàu nhờ thu nhập chính từ cây sắn. Niên vụ sắn năm nay, người trồng sắn rất phấn khởi vì không chỉ được mùa mà giá sắn củ tươi hiện đang được nhà máy thu mua khá cao, với mức giá dao động từ 2000 - 2700 đồng/kg, cao hơn vụ trước từ 100-300 đồng/kg. Từ ngày 02/01/2021 đến 26/10/2021, nông dân trên địa bàn xã đã nhập cho nhà máy tinh bột sắn 10.701 tấn sắn củ tươi, với số tiền thu về hơn 20 tỉ đồng.

Doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm

Để bao tiêu sản phẩm sắn cho người trồng sắn ở địa bàn huyện Hướng Hóa, năm 2003, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa thuộc Công ty Thương mại Quảng Trị xây dựng tại xã Thuận, gần đường tỉnh lộ Tân Long - Lìa. Từ đó đến nay, Nhà máy luôn tổ chức tốt việc nhập sắn củ tươi cho người trồng sắn trên địa bàn huyện.

Hoạt động chế biến tinh bột sắn của nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa

Ông Hồ Xuân Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Quảng Trị cho biết: Khởi đầu nhà máy chỉ có 1 dây chuyền chế biến tinh bột sắn, với công suất 500 tấn sắn tươi/ngày, nhưng quá trình sản xuất, diện tích sắn ở Hướng Hóa ngày một tăng. Để  bao tiêu sản phẩm sắn cho người dân, đến nay Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa đã đưa vào hoạt động 3 dây chuyền chế biến tinh bột sắn với công suất tiêu thụ 1.500 tấn sắn tươi/ngày. Bình quân hàng năm nhà máy nhập 180.000 tấn sắn tươi của huyện Hướng Hóa, Đakrông, các huyện bạn Lào và phần nhiều trong số đó là sắn của bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở các xã vùng Lìa.

Ông Hiếu cho biết thêm, doanh nghiệp cũng đã đầu tư một dây chuyền chế biến phân vi sinh với công suất 5.000 tấn/năm để tận dụng 100% phế thải từ hoạt động sản xuất tinh bột, góp phần nâng cao doanh thu cho nhà máy và giúp cho nông dân có thêm điều kiện đầu tư chăm sóc cây sắn bằng loại phân giá rẻ, thân thiện môi trường, hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu sắn bền vững ở huyện Hướng Hóa

Nguyễn Đình Phục
loading....