NHỮNG DẤU HIỆU TÍCH CỰC VỀ KINH TẾ HUYỆN HƯỚNG HÓA, PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KHỞI SẮC SAU HƠN 2 NĂM ẢNH HƯỞNG CỦA THIÊN TAI, DỊCH BỆNH 

Là địa phương miền núi, biên giới của tỉnh Quảng Trị, Hướng Hóa có nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, đất đai, khí hậu, truyền thống lịch sử, văn hóa và con người để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân. Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII, tháng 8 năm 2020, đặt ra sự quyết tâm chính trị với chủ đề: “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy bản sắc văn hóa, sức mạnh đoàn kết các dân tộc; khai thác tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo; giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu xây dựng Hướng Hóa phát triển nhanh và bền vững”; Nghị quyết Đại hội đã đề ra 23 chỉ tiêu, với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể.

Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025

Tuy nhiên, hơn hai năm qua là quãng thời gian đầy khó khăn, thử thách, cam go cho Đảng bộ và Nhân dân huyện Hướng Hóa, khi mà đại dịch Covid - 19 tràn qua, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, các ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức tập trung ưu tiên cao độ cho công tác phòng chống dịch với các biện pháp tuyên truyền, khoanh vùng, dập dịch, cách ly, điều trị, tiêm vaccine, chống xâm nhập ... bên cạnh đó huyện cũng phải gồng mình khắc phục hậu quả trận lũ lịch sử tháng 10 năm 2020, gây ra thiệt hại nặng nề về người và cơ sở vật chất.

Song, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đề ra nhiều chủ trương, giải pháp, tập trung chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kịp thời, hiệu quả, nghiêm túc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng với cả nước, cả tỉnh, với phương châm: “Chống dịch như chống giặc”, "Thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả”, ổn định đời sống và sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội... Vì vậy, đến nửa quý II năm 2022, dịch bệnh được kiểm soát, đẩy lùi và trở lại trạng thái bình thường.

 Nhờ vậy, bước vào năm 2023, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ (2020 - 2025), nền kinh tế huyện có dấu hiệu khởi sắc, chuyển dịch đúng hướng. Tổng giá trị sản xuất năm 2022 đạt 28.556,9 tỷ đồng, cao hơn 2,26 lần so với bình quân (2015 – 2020). Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2022 đạt 43,05 triệu đồng/36 triệu đồng năm 2020.

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng đạt 16.715,8 tỷ đồng/4.977,6 so với bình quân (2015 - 2020). Toàn huyện hiện có 882 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó 247 doanh nghiệp và 635 cơ sở sản xuất nhỏ, cá thể hộ gia đình, tạo việc làm ổn định cho trên 2.940 lao động. Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến nông sản đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, đổi mới công nghệ theo hướng chế biến gắn với vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ và thân thiện với môi trường. Thực hiện chủ trương, chính sách thu hút đầu tư năng lượng sạch của tỉnh, nhiều dự án được triển khai trên địa bàn huyện. Đến nay có tổng số 29 dự án điện gió được cấp chủ trương đầu tư, trong đó có 19 dự án đã đi vào hoạt động với tổng công suất 670MW gấp hơn 10 lần công suất của nhà máy thủy điện Rào Quán lớn nhất tỉnh; 10 dự án có tổng công suất lắp máy 400MW đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thi công, thực hiện dự án.

Giá trị sản xuất lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch năm 2022 đạt 9.570,5 tỷ đồng/6.443,9 tỷ đồng so với bình quân (2015 - 2020). Việc phát triển thương mại, dịch vụ thông qua hệ thống chợ được huyện hết sức quan tâm, trên địa bàn huyện hiện có 07 chợ, 01 trung tâm thương mại. Sau đại dịch covid-19, ngành thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá, cửa khẩu quốc tế Lao Bảo thông thương, nhộn nhịp trở lại; tiếp tục khai thác tiềm năng du lịch của huyện, nhất là du lịch sinh thái, cộng đồng. Chú trọng thúc đẩy các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, bình quân hàng năm thu hút trên 120 nghìn lượt khách du lịch, tăng gấp 6 lần so với năm 2020; các mô hình, cơ sở dịch vụ du lịch ngày càng được các hộ gia đình và doanh nghiệp đầu tư phát triển mở rộng quy mô, số lượng, nâng cao chất lượng; dịch vụ nhà hàng, khách sạn hoạt động khá hiệu quả.

Nông - lâm nghiệp, giá trị sản xuất đạt 2.270,5 tỷ đồng/1269,07 so với bình quân (2015 - 2020). Tập trung đẩy mạnh sản xuất, duy trì ổn định diện tích các loại cây trồng chủ lực, tổng diện tích gieo trồng 18.639,5ha/17.865,6ha so với bình quân nhiệm kỳ trước (2015 - 2020), diện tích lúa nước đã phục hồi sau thiên tai, hiện có 1.539,2ha, sắn nguyên liệu 5.377,5ha; cây cà phê hiện có 3.938,6ha; cây hồ tiêu với diện tích hiện có 233,7ha; cây cao su hiện có 1.069,9ha; có 4.040,9ha cây ăn quả; trong đó diện tích cây chuối 3.152,6ha. Sản lượng lương thực năm 2022 đạt 8.738,3 tấn/8.805,24; bình quân lương thực đầu người đạt 91,75kg/93.8kg so với bình quân (2015 - 2020). Hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất rau đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển diện tích trồng hoa, cây cảnh.

Ruộng lúa 2 vụ, được phục hồi sau lũ 2020, thôn RaLy - Rào, xã đặc biệt khó khăn Hướng Sơn

Tiếp tục tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp hợp lý, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất; ổn định cơ cấu cây trồng, vật nuôi, có 18 sản phẩm OCOP/04 sản phẩm năm 2020. Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, mô hình trang trại, gia trại gắn với phát triển kinh tế vườn đồi. Gia súc, gia cầm tái đàn sau đợt dịch phát triển ổn đinh, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 2.252,9 tấn/năm. Diện tích nuôi cá nước ngọt hiện có 79,5 ha, sản lượng cá bình quân 83,6 tấn/năm.

Triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tính đến năm 2022, có 05/19 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 02 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, 14/19 xã đạt dưới 10 tiêu chí.

Công tác rà soát, lập và quản lý quy hoạch; công tác quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên, khoáng sản và môi trường được quan tâm. Đã xây dựng quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; chú trọng xây dựng kế hoạch sử dụng đất hằng năm làm cơ sở để quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực, tạo điều kiện để xúc tiến đầu tư phát triển. Hoàn thiện các quy định về việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; cơ chế xác định giá đất; cơ chế, chính sách tài chính về đất đai. Tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn.

Đạt được kết quả trên, có thể thấy đó là sự năng động, sáng tạo, bản lĩnh, sự lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện, phòng, ban ngành huyện, của cấp ủy, chính quyền cơ sở, sự đoàn kết, đồng thuận, hưởng ứng của toàn dân. Kết quả và con số cụ thể trên, có thể thấy kinh tế huyện Hướng Hóa đang có dấu hiệu phát triển khởi sắc trở lại sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng của thiên tai dịch bệnh nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên phát triển vì liên quan trực tiếp đến thu nhập, đời sống và giảm nghèo bền vững của đại bộ phận nhân dân, các sản phẩm chủ lực như cà phê, sắn, chuối, cao su tiếp tục được duy trì ổn định về diện tích, sản lượng, giá cả, bên cạnh đó huyện cũng đang hình thành thêm các hướng đi mới, như: cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi; phát triển tín chỉ carbon để cải thiện thu nhập người trồng, bảo vệ rừng; công nghiệp - xây dựng là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhờ phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, là xu thế mới tất yếu trên thế giới trong phát triển kinh tế năng lượng xanh; thương mại dịch vụ, du lịch tăng trưởng khá, nhất là du lịch cộng đồng, sinh thái; khởi động khu kinh tế, thương mại xuyên biên giới Lao Bảo – Đensavẳn để cụ thể hóa chủ trương phát triển một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của cả nước, đồng thời phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây trên Quốc lộ 9 nối các nước trong khu vực vào miền Trung, Việt Nam.

Để kinh tế phát triển, giảm nghèo bền vững hiệu quả, nâng cao đời sống nhân dân hơn nữa, nhất là thực hiện tốt xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, “kinh tế xanh”, “kinh tế tuần hoàn”, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, mạnh mẽ, đổi mới phương thức sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, tiêu thụ sản phẩm, phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, thương mại, dịch vụ, du lịch. Trong những năm tới huyện tập trung:

- Đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều thành phần kinh tế, chú trọng kinh tế tập thể gắn với kinh tế hộ, nhất là phát triển kinh tế nông nghiệp, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, cơ giới hóa, công nghệ cao, sinh học, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất. Phát triển kinh tư nhân trở thành động lực quan trọng; thu hút đầu tư của các doanh nhiệp vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp, dịch vụ, tư vấn cây, con giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản; dịch vụ du lịch; dịch vụ logistics; công nghiệp chế biến; thương mại dịch vụ xuất khẩu hàng hóa.

- Đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển các vùng chuyên canh tập trung, sản phẩm chủ lực, OCOP, như cà phê, sắn, cây ăn quả, cao su, cây dược liệu, hoa màu, trồng và bảo vệ rừng (rừng tự nhiên gắn với du lịch sinh thái cộng đồng, tín chỉ carbon; rừng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu), chăn nuôi (mô hình mới chăn nuôi bò 3B và trồng cây mắc ca xen canh, cải tạo vườn tạp).

- Tập trung thực hiện hiệu quả ba chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững - xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Phát triển “nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân văn minh”.

- Phát triển công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), may mặc, tiểu thủ công nghiệp.

- Phát triển thương mại - dịch vụ qua cửa khẩu quốc tế và hệ thống tiêu thụ, phân phối hàng hóa bán lẻ, hình thành các chuỗi sản xuất và cung ứng, dịch vụ logistish; dịch vụ - du lịch về lịch sử, văn hóa, sinh thái, cộng đồng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hình thành xây dựng và phát triển khu kinh tế, thương mai xuyên biên giới.  

- Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tạo đột phá, chuyển biến mạnh mẽ như: giao thông, điện, nước, thủy lợi, thông tin, trường học, bệnh viện, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa ... đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chuyển đổi số, công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập.

- Thực hiện tốt công tác quy hoạch tổng thể nhất là quy hoạch sử dung đất, quy hoạch ngành, nghề, sắp xếp bố trí dân cư và quy hoạch đô thị.

- Tăng cường đào tạo nghề, xúc tiến xuất khẩu lao động trong và ngoài nước.

- Phát triển văn hóa, xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tư an toàn xã hội tạo động lực cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, trên ba trụ cột đó là “chính quyền số, kinh tế số, xã hội số”, xây dựng chính quyền phục vụ; cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm cao, chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, “Đphẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

- Tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Nguyễn Quang Hưng-UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy-Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện
loading....