NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHỐI HỢP ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ CHO ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY 

Năm 2021 là năm có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, đặc biệt là năm tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng, là năm tổ chức thực hiện đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, vì vậy, việc nâng cao chất lượng công tác phối hợp giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên có vai trò và ý nghĩa to lớn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội Đảng các cấp đã đề ra.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ, nhất là vấn đề đạo tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Chính vì vậy, sự nghiệp đổi mới đất nước muốn thành công phải tạo sự chuyển biến tích cực từ chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã khẳng định: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hàng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương”.

Thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp và xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, là khâu quan trọng hàng đầu trong công tác cán bộ hiện nay.

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, cấp ủy các huyện, thành phố, thị xã, cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng và các ban, ngành, đoàn thể các cấp đã phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở tất cả các khâu như: Xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng theo từng loại hình, chức danh, đối tượng; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm và giai đoạn; xác định thời điểm mở lớp; thành lập ban chỉ đạo các khóa đào tạo, theo dõi đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học viên... Hiệu quả của công tác phối hợp trong thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp, theo đó hệ thống chính trị các cấp từng bước được củng cố vững chắc.

Nhờ làm tốt công tác phối hợp đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và dự nguồn cán bộ các cấp ngày càng được tăng cường cả số lượng và chất lượng, trình độ, bãn lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng ngày càng được nâng cao; chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức lối sống, lý luận chính trị đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội của địa phương. Đồng thời, đây là cơ sở để các cấp ủy đảng thực hiện tốt công tác quy hoạch, chủ động trong việc đánh giá, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ theo đúng quy trình, tiêu chuẩn.

Đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thực hiện tốt công tác phối hợp trong quá trình đào tạo đã tạo ra thế chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện nội dung, chương trình đảm bảo phù hợp với các đối tượng, đúng quy định và đáp ứng được yêu cầu của thực tế địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn chung công tác phối hợp trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém như: Một số cấp ủy, lãnh đạo một số ban, ngành và một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức lý luận chính trị, do đó chưa quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thiếu chủ động trong việc rà soát xây dựng kế hoạch, bố trí cán bộ đi đào tạo; việc cử cán bộ, đảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng nhiều nơi chưa đảm bảo đúng quy trình, tiêu chuẩn, cử cán bộ, đảng viên đi đào tạo nhưng chưa gắn với quy hoạch, chưa đảm bảo tính tuần từ trong đào tạo, bồi dưỡng. Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành của tỉnh, các địa phương, đơn vị và Trung tâm chính trị các huyện, thị với Trường Chính trị đôi lúc còn mang tính “mùa vụ”, chỉ thực sự quyết liệt khi có lớp được mở; chưa xây dựng được kế hoạch phối hợp thường xuyên. Công tác phối hợp theo dõi, đánh giá sau đào tạo chưa được quan tâm đúng mức; chương trình, nội dung và kế hoạch đào tạo chưa thống nhất, còn chồng chéo, việc sửa đổi, bổ sung nội dung giáo trình chưa thật sự khoa học, phù hợp với đối tượng học viên dẫn đến khó khăn cho cả người dạy và người học…

Do đó, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trên, trước hết, cần xây dựng quy chế phối hợp nhằm đảm bảo sự thống nhất trong toàn hệ thống đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Với Quy chế này có thể tạo ra một cam kết chung, làm căn cứ để điều chỉnh các hoạt động phối hợp giữa cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cấp ủy, chính quyền các cấp, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện. Quy chế này sẽ phân định rõ trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo cũng như đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, sẽ giúp cho Ban thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; sẽ tạo được sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Trường Chính trị Lê Duẩn với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp ủy cấp huyện và Trung tâm chính trị cấp huyện, trên tất cả các nội dung liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như: Xây dựng kế hoạch, chiêu sinh, mở lớp, hoàn thiện hồ sơ, bố trí giảng viên kiêm nhiệm, tổ chức giảng dạy, quản lý học viên, tham mưu hoàn thiện chế độ chính sách cho người học, bổ sung cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập, công tác phục vụ và theo dõi, đánh giá cán bộ sau đào tạo...

Tăng cường sự phối hợp của các địa phương, các ngành với các đơn vị chủ trì đào tạo, bồi dưỡng trong công tác lựa chọn cán bộ đi học, đặc biệt là các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Trường Chính trị Lê Duẩn chủ trì. Việc lựa chọn đối tượng đào tạo, bồi dưỡng phải luôn gắn liền với công tác quy hoạch, bố trí và sử dụng cán bộ của các địa phương, đơn vị. Vì vậy, các địa phương, đơn vị phải thật sự chủ động trong công tác phối hợp với nhà trường trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ trung và dài hạn, qua đó phối hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chọn, cử cán bộ đi học gắn với quy hoạch, bố trí và sử dụng; tránh tình trạng cán bộ đi đào tạo về không được sử dụng hoặc thiếu cán bộ được đào tạo khi cần bố trí, bổ nhiệm. Đồng thời, việc lựa chọn, cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng phải đảm bảo đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn.

Phối hợp tăng cường công tác quản lý giữa trường Chính trị Lê Duẩn và các địa phương, đơn vị trong quá trình tổ chức mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài sự nỗ lực của học viên, sự cố gắng của giảng viên thì không thể thiếu sự phối hợp của các cơ quan liên quan, đặc biệt là các địa phương, đơn vị cử người đi học. Do đó, Trường Chính trị Lê Duẩn và các địa phương, đơn vị có cán bộ đi học cần phải tăng cường công tác phối hợp, đặc biệt chú trọng việc theo dõi, đánh giá ý thức, thái độ của học viên trong quá trình học tập, tránh tình trạng lãng phí về thời gian và gây khó khăn khi sắp xếp công việc thay thế cho đội ngũ cán bộ được cử đi học và tạo áp lực không cần thiết cho nhà trường.

Phối hợp thực hiện có hiệu quả các hoạt động khảo sát, theo dõi, đánh giá cán bộ sau đào tạo. Đây là một hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.Tuy nhiên, trong thời gian qua hoạt động này vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Đối với các địa phương, đơn vị, việc theo dõi, đánh giá cán bộ sau đào tạo nhằm rà soát, đánh giá định kỳ để phục vụ cho công tác đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, quy hoạch thường xuyên; đồng thời cũng là căn cứ để tiếp tục xem xét cử cán bộ đi học và có ý kiến phản hồi về công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cơ sở đào tạo. Đối với Trường Chính trị Lê Duẩn, sự phối hợp thực hiện tốt hoạt động này sẽ nắm bắt được thông tin phản hồi về đánh giá cán bộ sau đào tạo làm cơ sở để nhà trường điều chỉnh nội dung, phương thức, hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng. Mặt khác, thông qua kết quả đánh giá cán bộ sau đào tạo, đội ngũ giảng viên của nhà trường sẽ có căn cứ để điều chỉnh phương pháp, nâng cao hiệu quả giảng dạy, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của các địa phương.

Phối hợp xây dựng đội ngũ giảng viên ngày càng vững mạnh và tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất của nhà trường ngày càng tốt hơn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của nhà trường sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng giúp nhà trường sớm hoàn thiện cơ sở vật chất, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính rị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống, “tự diễn biến“, “tự chuyển hóa” trong nội bộ góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp đã đề ra.

Quản trị viên
loading....