Cho đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã gây nên những tổn thất nặng nề về kinh tế, xã hội và sinh mạng người dân; song, không thể phủ nhận những thành tựu to lớn mà chúng ta đã đạt được trong cuộc chiến chống COVID-19. Những thành tựu đó đã được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Để có được kết quả đó là do rất nhiều yếu tố như: Sự lãnh đạo chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, năng lực của ngành y tế, tinh thần đoàn kết, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân… Trong đó, vai trò của công tác truyền thông là vô cùng quan trọng và không thể phủ nhận vai trò của mạng xã hội nhất là trong những tình huống mà các phương thức truyền thông khác gặp những trở ngại khách quan do tình hình, tác động của các yếu tố cản trở, gây nhiễu…. Theo nhận định của tạp chí hàng đầu Mỹ The Nation, chiến dịch truyền thông mạnh mẽ và sáng tạo thông qua mạng xã hội là một trong những yếu tố giúp Việt Nam thành công trong cuộc chiến chống dịch.
Có thể khẳng định, trong thời gian đại dịch, mạng xã hội được xem là “cây cầu” kết nối giữa mọi người, đặc biệt khi các tỉnh, thành đang triển khai lệnh phong tỏa theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Mạng xã hội, dù trong nhiều trường hợp không phải là một kênh thông tin tuyên truyền chính thống, nhưng trong truyền tải thông tin về phòng, chống dịch đã có những đóng góp không nhỏ qua đó, góp phần quan trọng đang cùng với nhiều phương tiện thông tin đại chúng trở thành kênh khá hữu hiệu trong việc phòng, chống dịch COVID-19 đang trong một diễn biến đáng quan ngại. Với ưu thế của mạng xã hội là cập nhật nhanh chóng diễn biến dịch bệnh, vì thế, những thông tin về dịch bệnh đến được với mọi người nhanh hơn, rộng rãi hơn; mọi người kết nối, liên kết với nhau nhiều hơn. Từ đó, những câu chuyện đẹp, những hình ảnh cảm động đã được truyền đi nhanh hơn, giúp mọi người vững tin hơn vào sự tử tế của đại bộ phận trong xã hội chúng ta… Thông qua mạng xã hội hình ảnh những “ATM gạo”, các “gian hàng 0 đồng”, “chuyến xe nghĩa tình”, khung avatar đính kèm lời nhắc nhở 5K, thông điệp tri ân tuyến đầu chống dịch, lời kêu gọi cùng nhau cố gắng, cùng hoạt động hết công suất của các nhóm thiện nguyện trong những ngày qua không những chỉ có tác dụng giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, yêu thương nhau hơn mà còn kích thích, nảy nở lòng nhân hậu, bao dung của mọi người. Các thông tin về số ca nhiễm, số tiền ủng hộ, số người tử vong vì dịch bệnh, các thông tin liên quan đến vaccine liên tục được cập nhật đã giúp mọi người có hình dung đầy đủ hơn về dịch bệnh. Đặc biệt, thông qua mạng xã hội các văn bản chính thống được ban hành được nhiều người chia sẻ qua mạng xã hội một cách nhanh chóng, kịp thời cũng trở thành công cụ đắc lực, một kênh truyền thông hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, những ngày gần đây, trên mạng xã hội đã xuất hiện những hình ảnh đẹp của lực lượng chức năng, cũng như người dân tiếp sức, hỗ trợ cho bà con di chuyển bằng xe máy từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê đã lan tỏa những giá trị tốt đẹp, cao cả của người dân Việt Nam. Mặt khác, những hình ảnh “biết nói” về tình hình dịch bệnh trên thế giới; hay các thông báo khẩn về truy vết người tiếp xúc các trường hợp F1 của bệnh nhân COVID-19 trong cả nước đều được chia sẻ, cập nhật nhanh chóng.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là xác nhận độ tin cậy tuyệt đối của mạng xã hội, nhưng bằng cách này, cách khác, những người tham gia mạng xã hội đã ít nhiều góp phần truyền thông mục tiêu phòng, chống dịch COVID-19 đang trở lại và bước vào giai đoạn mới hết sức quan trọng hiện nay.
Thế nhưng, bên cạnh những thông tin có độ chính xác cao, thì lại xuất hiện lại “vàng thau lẫn lộn” trên mạng xã hội, ít nhiều gây hoang mang cho mọi người. Chẳng hạn, chúng ta không khỏi buồn lòng khi đâu đó đã có nhiều thông tin bị bóp méo, xuyên tạc. Mạng xã hội xuất hiện hàng loạt “chuyên gia dịch tễ online”, “bác sĩ online”, “chuyên gia y tế” “biết tuốt” với những bài thuốc, những hướng dẫn, những chỉ bảo. Các thông tin xuyên tạc, xấu độc chống phá công cuộc phòng chống dịch cũng tràn lan. Điển hình như “F0 tại Quảng Trị di chuyển nhiều nơi, khai báo không trung thực” khi tỉnh Quảng Trị ghi nhận 1 trường hợp xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả dương tính vào ngày 27/7 trên địa bàn thành phố Đông Hà đã gây hoang mang, lo lắng cho người dân, cũng như tạo thêm khó khăn, vất vả cho công tác phòng, chống dịch. Gần đây lại xuất hiện những bài viết trên mạng gây chia rẽ, kỳ thị vùng miền gây ra làn sống phẫn nộ trong cộng đồng… Đây thực sự là những thông tin vô cùng nguy hại bởi nó làm cho người dân chủ quan với dịch bệnh.
Tất nhiên, các tin giả, tin xấu tác động, ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng đã nhanh chóng được các cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý. Cách khắc phục kịp thời, xử lý nghiêm khắc của các cơ quan có trách nhiệm đối những trường hợp này và sau đó việc công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã giúp người dân hiểu rõ hơn, tin tưởng hơn vào các chủ trương, chính sách, biện pháp chống dịch của chính quyền các cấp.
Hiện nay, mạng xã hội như một “tờ báo” nhanh nhạy, kết nối nhanh, chia sẽ rộng, nhưng hầu hết không có cơ quan chủ quản nên thông tin trên mạng xã hội vẫn là tự phát, không được quản lý chặt chẽ, cho nên bình tĩnh để đưa tin và tin theo mạng xã hội cũng cần được quan tâm trong lúc này. Vì vậy, trong thời gian tới, để phát huy tối đa sức mạnh của mạng xã hội trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 chúng ta phải trở những người tham gia mạng xã hội thông minh để cùng nhau chung tay phòng, chống dịch COVID-19 trên tinh thần chủ động, không hoang mang. Chia sẻ những thông tin chính thống, tránh việc đưa tin hoặc bình luận theo kiểu cảm tính, chặt chém nhau… Kịp thời, chính xác để cùng nhau chủ động nắm bắt thông tin với một tinh thần hiểu biết, đoàn kết để chung tay đẩy lùi dịch bệnh là trách nhiệm của mỗi chúng ta.