Thu hoạch cà phê ở Hướng Hóa
Sau 13 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã có sự chuyển biến rõ nét và đạt được nhiều kết quả tích cực. Sản xuất nông- lâm nghiệp phát triển khá toàn diện. Kinh tế nông thôn có bước chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung, thâm canh, chuyên canh, đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ để tăng năng suất, chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh của các mặt hàng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương như cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả, phát triển lâm nghiệp và chăn nuôi đại gia súc. Giá trị sản xuất ngành nông- lâm nghiệp từ 593 tỉ đồng năm 2008 tăng lên 1.075 tỉ đồng năm 2020, chiếm tỉ trọng 6,6% trong cơ cấu nền kinh tế của địa phương.
Nông nghiệp đã được phát triển đúng với quy hoạch phát triển tổng thể kinh tếxã hội của huyện, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm và khai thác tài nguyên đất sẵn có phù hợp với điều kiện khí hậu của 3 vùng sinh thái, đem lại hiệu quả cao trong đầu tư. Tổng diện tích gieo trồng bình quân hằng năm trên địa bàn đạt 10.000 ha, diện tích một số loại cây chủ lực tăng. Cây cà phê từ 4.093 ha năm 2008 đến nay đã có trên 4.424 ha. Cây cao su từ 371 ha năm 2008 tăng lên trên 1.131 ha năm 2020, diện tích trồng tăng gấp 3 lần so với năm 2008. Diện tích cây ăn quả năm 2020 tăng thêm 160% so với năm 2008, riêng cây chuối có diện tích tăng bình quân hằng năm 17%. Độ che phủ rừng đạt 46,7% năm 2020, diện tích rừng trồng hằng năm đạt từ 450 - 500 ha, đưa giá trị ngành lâm nghiệp đạt 26 tỉ đồng năm 2020, tăng 5,7% so với năm 2008.
Đặc biệt, công tác xã hội hóa nghề rừng và trồng rừng kinh tế được chú trọng đã góp phần tăng giá trị ngành lâm nghiệp. Diện tích, năng suất, sản lượng cây trồng đều tăng, đàn gia súc phát triển đúng theo định hướng. Cây trồng, vật nuôi ngày càng đa dạng hóa, chất lượng giống cây trồng, vật nuôi ngày càng được chú trọng. Công tác xây dựng các mô hình sản xuất, các trang trại, tổ hợp tác và HTX trên địa bàn có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng liên kết với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị và giải quyết đầu ra cho sản phẩm.
Thực hiện nghị quyết, địa phương đã đổi mới và xây dựng được các hình thức tổ chức sản xuất dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn. Theo đó, trên địa bàn đã hình thành được một số vùng chuyên canh tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm như cà phê, cao su, sắn nguyên liệu. Đồng thời, huyện đã xây dựng được hàng trăm mô hình kinh tế có quy mô từ 50-300 triệu đồng/mô hình, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ, tổ hợp tác…
Các dịch vụ ở nông thôn được phát triển đa dạng nhằm tạo ra giá trị sản xuất ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ của huyện nói chung và khu vực nông thôn nói riêng ngày càng cao. Giá trị sản xuất thương mại- dịch vụ tăng từ 846,2 tỉ đồng năm 2008 lên 6.714 tỉ đồng năm 2020. Việc nghiên cứu chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh. Thực hiện đổi mới mạnh mẽ cơ chế chính sách huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế nông thôn.
Bộ mặt nông thôn trên địa bàn kể từ khi triển khai Nghị quyết số 26-NQ/ TW đã có nhiều khởi sắc. Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước gắn quy hoạch phát triển nông nghiệp với quy hoạch NTM, gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu nông nghiệp, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư đồng bộ. Từ xuất phát điểm thấp với số tiêu chí đạt bình quân là 1,35 tiêu chí/xã vào năm 2011, đến năm 2020, toàn huyện đã có 5 xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 11,89 tiêu chí/xã. Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, từng bước đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đến năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 19,67%, bình quân giảm 3,45%/năm, tính riêng khu vực nông thôn trong giai đoạn từ 2016 - 2020 giảm 3%/ năm. Thu nhập bình quân tăng từ 12,7 triệu đồng/người năm 2008 tăng lên 36,1 triệu đồng/người vào năm 2020.
Có thể thấy sau hơn 1 thập kỷ triển khai thực hiện, Nghị quyết số 26-NQ/TW đã tạo động lực cho việc phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM ở Hướng Hóa. Với nhiều chính sách thiết thực, phù hợp đã góp phần làm thay đổi bức tranh về phát triển kinh tế, thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây. Từ nay đến năm 2025, Hướng Hóa tiếp tục xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại địa phương. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Phấn đấu trong giai đoạn từ 2021-2025 tổng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt trên 2.065 tỉ đồng, tỉ trọng ngành nông nghiệp đạt 8,66%. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Hướng Hóa sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại.
Đồng thời đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề dịch vụ và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Xây dựng NTM gắn với xây dựng đời sống văn hóa; chăm lo xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Đổi mới cơ chế chính sách và tổ chức sản xuất ở nông thôn; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.