Qua các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện, nhất là Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 tiếp tục xác định: Phát triển nông- lâm nghiệp toàn diện bền vững, khai thác có hiệu quả lợi thế, giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới. Với định hướng đúng đắn đó, trong những năm qua, huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng chuyên canh phù hợp với điều kiện, khí hậu thời tiết, đất đai, tạo ra một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
người dân thu hoạch cà phê
Để đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ, nhất là đối Nhân dân các xã vùng bản, cùng với tận dụng đất ven triền đồi, nương rẫy trồng ngô, khoai, sắn và các cây họ đỗ, các địa phương đã vận động Nhân dân khai hoang đất bằng gieo cấy lúa nước 2 vụ. Thông qua các chương trình dự án, huyện đã đầu tư khai hoang đất đai, làm các công trình thủy lợi, các phòng, trạm, đơn vị liên quan, các tổ chức đoàn thể đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật làm đất, chọn giống, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh. Nhờ vậy diện tích, năng suất và sản lượng lúa nước qua các năm đều tăng. Năm 1976 toàn huyện chỉ có 104 ha thì đến nay diện tích gieo trồng lúa nước cả năm hơn 1500 ha, với tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm hơn 8.800 tấn, bình quân lương thực đầu người 93,8kg/người/năm. Mặt khác ở thị trấn Khe Sanh, các xã Tân Liên, Tân Lập, Húc, Hướng Tân, Thuận đã xuất hiên hiện nhiều hộ chuyên sản xuất rau đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phát triển trồng hoa, cây cảnh đem lại nguồn thu nhập khá lớn trong đời sống kinh tế gia đình.
Song song với đẩy mạnh trồng cây lương thực trong những năm qua, đặc biệt từ khi Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa đưa vào hoạt động, người dân các xã phía Nam của huyện nói riêng và các xã trong huyện đã đẩy mạnh trồng sắn KM94, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột sắn. Thông qua phong trào trồng sắn nguyên liệu không chỉ giúp nông dân ở các xã vùng sâu, vùng xa xóa đói, giảm nghèo mà còn xuất hiện nhiều hộ có thu nhập từ sắn mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Đến nay toàn huyện có 4.600 ha sắn, với sản lượng hàng năm hơn 120 nghìn tấn sắn củ tươi, với doanh thu khoảng 240 tỷ đồng.
Với lợi thế của điều kiện khí hậu và nguồn đất đỏ ba zan màu mỡ, Hướng Hóa đã tập trung phát triển cây cà phê, hồ tiêu và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như chuối, bơ, xoài, vải, thanh long... hình thành các vùng chuyên canh như: Phát triển cây cà phê ở các xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, thị trấn Khe Sanh, Ba Tầng; trồng cây ăn quả, nhất là cây chuối ở các xã Tân Long, Tân Thành, Hướng Lộc, Thuận, Thanh; trồng cây cao su và sắn nguyên liệu ở các xã phía Nam của huyện. Đến nay ở Hướng Hóa đã có hơn 5.000 ha cà phê, bình quân hằng năm tái canh 109,5 ha, với sản lượng cà phê nhân bình quân 6.059,5 tấn; đã chú trọng về chất lượng và thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cà phê Khe Sanh. Đầu tư khôi phục và phát triển cây hồ tiêu, với diện tích 218,5ha sản lượng 137,6 tấn; mở rộng diện tích chuối ở các xã phía Nam và các xã dọc đường 9 Tân Long, Tân Thành, thị trấn Lao Bảo, đến nay toàn huyện có 4.217,1 ha cây ăn quả, 1.089,7 ha cao su, mỗi năm tạo ra một khối lượng hàng hóa nông sản khá lớn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
sản phẩm chuối đem lại nguồn thu nhập cao trong đời sống kinh tế của người dân
Mặt khác, tận dụng lợi thế của địa hình có nhiều đồi bãi và nguồn thức ăn dồi dào, Hướng Hóa đã đẩy mạnh phong trào chăn nuôi trâu bò đàn, lợn, dê và các loại gia cầm, nuôi cá nước ngọt theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với các trang trại, gia trại chăn nuôi có quy mô khá lớn của các hợp tác xã, các hộ gia đình, hiện nay toàn huyện đã có 18 mô hình chăn nuôi lợn, 02 mô hình chăn nuôi trâu, bò; 14 mô hình chăn nuôi gia cầm theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp; ở các xã vùng bản, bà con dân bản đã chuyển từ tập quán chăn nuôi theo lối thả rong sang chăn nuôi có chuồng trại, chăn dắt, đầu tư thức ăn, tiêm phòng theo định kỳ, nhờ thế hàng năm đàn gia súc, gia cầm của huyện tăng lên cả số lượng lẫn chất lượng. Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có 3.600 con trâu, 12.600 con bò, 22.000 con lợn với sản lượng thịt hơi xuất chuồng bình quân hàng năm 4.056,1 tấn; 14.000 con dê, hơn 200 nghìn con gia cầm; 75,76 ha mặt hồ nuôi cá nước ngọt với sản lượng cá hàng năm 65 tấn. Phong trào trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc luôn được chú trọng, bình quân hàng năm trồng mới 351,56 ha rừng tập trung, 18,88 vạn cây phân tán; khoanh nuôi tái sinh 1000 ha; khoanh nuôi bảo vệ 15.000 ha rừng, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng lên 47%. Cùng với khai thác có hiệu quả lợi thế về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; dịch vụ, thương mại. du lịch luôn được chú trọng, toàn huyện có 686 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với giá trị sản xuất bình quân 4.977, 6 tỷ đồng; dịch vụ, thương mại, du lịch tiếp tục phát triển đa dạng, đảm bảo chất lượng với giá trị sản xuất bình quaan 6.443, 9 tỷ đồng…Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã phát huy được sức mạnh và sự vào cuôc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; đặc biệt là sự tích cực tham gia chung tay góp sức của người dân đã làm thay đổi đời sống và bộ mặt nông thôn. Đến nay, toàn huyện có 05 xã đạt 19 tiêu chí, 04 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; 10 xã đạt từ 08 đến 09 tiêu chí.
mô hình chăn nuôi bò nhốt ở xã Thuận
Với định hướng đúng đắn và triển khai thực hiện có hiệu quả phát triển kinh tế toàn diện và bền vững, nên hằng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,34%, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày một nâng cao; cảnh quan bộ mặt nông thôn mà nhất là các xã vùng sâu, vùng xa ngày một thay đổi. Sự đổi thay trên vùng đất Hướng Hóa giàu truyền thống cách mạng đã tăng thêm niềm tin cho đồng bào các dân tộc trong huyện vững lòng theo Đảng, cùng đồng tâm, hiệp lực phấn đấu xây dựng quê hương Hướng Hóa phát triển nhanh và bền vững.