HƯỚNG HÓA PHÁT TRIỂN CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ MỚI Ở VÙNG KHÓ 

Ở huyện miền núi Hướng Hóa, trong những năm qua, cùng với nhiều chính sách ưu tiên phát triển cho vùng khó, vùng đặc biệt khó khăn, đã khơi dậy tính tự lực, tự cường của người dân, tự vươn lên để thay đổi với các mô hình kinh tế mới, sáng tạo. Nhờ đó, làm cho đời sống của nhân dân, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, có những bước phát triển mạnh mẽ, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng

Mô hình cà gai leo ở xã Lìa đã bắt đầu phát huy hiệu quả

Nhận thấy xã Thanh là 1 trong những xã có diện tích chuối khá lớn của huyện Hướng Hoá và chủ yếu bán ra thị trường là chuối quả tươi, Hội liên hiệp phụ nữ xã Thanh đã nghĩ ra ý tưởng kinh doanh với mô hình chuối sấy dẻo. Từ sự hỗ trợ của dự án Plan, Hội phụ nữ xã đã mạnh dạn đầu tư máy sấy dẻo và máy hút chân không theo công nghệ hiện đại. Bước đầu thử nghiệm, chị em phụ nữ đã cho ra những sản phẩm đầu tay thành công. Qua đó, không chỉ tạo thêm việc làm cho chị em phụ nữ tại đây mà còn quảng bá, giới thiệu mặt hàng đặc trưng cho địa phương.
Để có được vị chuối sấy dẻo thơm ngon, phải chọn quả chuối đủ già, quả to, tròn cạnh và phải chín muồi. Chuối sau khi lột vỏ, ngâm vào nước muối và xếp vào các khay rồi đem sấy ngay sau khi sơ chế. Sau thời gian 15 – 20 tiếng, khi chuối sấy lên mật, dẻo dính, thơm và ngọt, chị em phụ nữ sẽ tiếp tục đóng gói chân không để tăng thời gian bảo quản. Trung bình mỗi lần sấy khoảng 40 – 50kg chuối chín sẽ được 1 mẻ chuối sấy dẻo, mỗi mẻ thu được khoảng 25 - 30 kg chuối khô. Do chuối được sấy dẻo bằng công nghệ hiện đại nên vừa tiết kiệm thời gian và nhiên liệu vừa cho ra sản phẩm đảm bảo chất lượng. Hiện, sản phẩm này, đã được Hội liên hiệp phụ nữ xã Thanh, huyện Hướng Hóa bán tại địa phương và trên mạng với giá 80 nghìn đồng/kg.
Chị Hồ Thị Tê – Chủ Tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Thanh, huyện Hướng Hóa cho biết: “Trong thời gian tới, Hội liên hiệp phụ nữ xã Thanh sẽ đặt in nhãn mác để tạo nên thương hiệu cho sản phẩm; Tiếp tục cập nhật, phổ biến kiến thức về công nghệ chế biến sản phẩm chuối sấy dẻo cho chị em phụ nữ. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mọi hình thức để sản phẩm chuối sấy dẻo sẽ có một chỗ đứng trên thị trường. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho chị em phụ nữ”.
Tận dụng điều kiện, tiềm năng và lợi thế của địa phương, Hội liên hiệp phụ nữ xã Thanh, huyện Hướng Hóa đã thay đổi cách thức làm ăn, đầu tư, phát triển mô hình theo hướng công nghiệp và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Chính sự sáng tạo, mạnh dạn và quyết tâm khởi nghiệp, tin rằng cơ sở sản xuất chuối sấy dẻo sẽ phát triển theo hướng bền vững. Điều này, đã thể hiện sự thay đổi tư duy theo hướng sản xuất hiện đại của chị em phụ nữ vùng dân tộc thiểu số.
Toàn huyện Hướng Hoá có 16 xã thuộc diện đầu tư theo Chương trình 135, trong đó có 11 xã đặc biệt khó khăn và 5 xã biên giới; 8 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Những năm qua, UBND huyện Hướng Hoá đã xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu phát triển kinh tế cụ thể từng năm. Tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để người dân, đặc biệt bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó, vùng đặc biệt khó khăn nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của việc tạo điều kiện, xây dựng và thúc đẩy các mô hình kinh tế mới. Kịp thời giới thiệu những kinh nghiệm tốt, nhân tố mới, mô hình giỏi từ thực tiễn để nhân rộng ra toàn huyện. Phối kết hợp giữa đơn vị quản lý và đơn vị cho vay đồng bộ, việc giải ngân vốn vay kịp thời, đặc biệt với các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng bản vay vốn đầu tư vào phát triển sản xuất, kinh doanh. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách làm ăn phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng địa phương cũng như với khả năng tiếp thu của bà con đồng bào. Đào tạo các nghề phổ thông đơn giản, phù hợp với khả năng tiếp thu của người người đồng bào dân tộc thiểu số. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tạo ra việc làm mới cho bà con đồng bào.
Với lợi thế của điều kiện khí hậu và nguồn đất đỏ ba zan màu mỡ, Hướng Hóa đã tập trung phát triển cây cà phê, hồ tiêu và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như chuối, bơ, xoài, vải, thanh long... hình thành các vùng chuyên canh như phát triển cây cà phê ở các xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, thị trấn Khe Sanh, Ba Tầng; trồng cây ăn quả, nhất là cây chuối ở các xã Tân Long, Tân Thành, Hướng Lộc, Thuận, Thanh; trồng cây cao su và sắn nguyên liệu ở các xã phía Nam của huyện. Đến nay ở Hướng Hóa đã có hơn 5.000 ha cà phê, bình quân hằng năm tái canh 109,5 ha, với sản lượng cà phê nhân bình quân 6.059,5 tấn; đã chú trọng về chất lượng và thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cà phê Khe Sanh. Đầu tư khôi phục và phát triển cây hồ tiêu, với diện tích 218,5ha sản lượng 137,6 tấn; mở rộng diện tích chuối ở các xã phía Nam và các xã dọc đường 9 Tân Long, Tân Thành, thị trấn Lao Bảo. Đến nay toàn huyện có 4.217,1 ha cây ăn quả, 1.089,7 ha cao su, mỗi năm tạo ra một khối lượng hàng hóa nông sản khá lớn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Mặt khác, tận dụng lợi thế của địa hình có nhiều đồi bãi và nguồn thức ăn dồi dào, Hướng Hóa đã đẩy mạnh phong trào chăn nuôi trâu bò đàn, lợn, dê và các loại gia cầm, nuôi cá nước ngọt theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với các trang trại, gia trại chăn nuôi có quy mô khá lớn của các hợp tác xã, các hộ gia đình, hiện nay toàn huyện đã có 18 mô hình chăn nuôi lợn, 02 mô hình chăn nuôi trâu, bò; 14 mô hình chăn nuôi gia cầm theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp; ở các xã vùng bản, bà con dân bản đã chuyển từ tập quán chăn nuôi theo lối thả rong sang chăn nuôi có chuồng trại, chăn dắt, đầu tư thức ăn, tiêm phòng theo định kỳ, nhờ thế hàng năm đàn gia súc, gia cầm của huyện tăng lên cả số lượng lẫn chất lượng.
Đặc biệt, những năm trở lại đây ở các xã vùng khó của huyện đã bước đầu xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế mới với các cây trồng, vật nuôi và sản phẩm mới mới như trồng chanh leo, cây cà leo, bột sấy lạnh… Nhờ mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình này đã phần nào chứng minh được ý chí, nghị lực của người dân đã biết vươn lên để thay đổi. Từ mong ước đã được hiện thực hóa, sản xuất ra sản phẩm, có tính thương mại hóa cao. Kì vọng rằng, những sản phẩm mang bản sắc địa phương này đã, đang và sẽ mang đến một luồng gió mới cho thị trường nông sản ở huyện miền núi này.
Có thể nói, tất cả đã tác động tích cực đến chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và đã phát huy được sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; đặc biệt là sự tích cực tham gia chung tay góp sức của người dân đã làm thay đổi đời sống và bộ mặt nông thôn. Đến nay, toàn huyện có 05 xã đạt 19 tiêu chí, 04 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; 10 xã đạt từ 08 đến 09 tiêu chí.
Hướng Hóa là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Quảng Trị, toàn huyện hiện có hơn 90 nghìn dân, bao gồm 3 dân tộc Kinh, Văn Kiều, Pa Kô cùng sinh sống ở 21 xã, thị trấn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% dân số, thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với định hướng đúng đắn và triển khai thực hiện có hiệu quả việc phát triển các mô hình kinh tế mới ở vùng khó, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện nên Hướng Hóa đã có nhiều bước đột phát để phát triển nền kinh tế toàn diện và bền vững. Nhờ vậy, hằng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,34%, làm cho đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, đặc biệt bà con đồng bào dân tộc thiểu số ngày một nâng cao, cảnh quan bộ mặt nông thôn mà nhất là các xã vùng sâu, vùng xa ngày một đổi thay. Sự đổi thay trên vùng đất Hướng Hóa giàu truyền thống cách mạng đã tăng thêm niềm tin cho đồng bào các dân tộc trong huyện vững lòng theo Đảng, cùng đồng tâm, hiệp lực phấn đấu xây dựng quê hương Hướng Hóa phát triển nhanh và bền vững.

 

Kim Huệ
loading....