Hướng Hoá phát huy hiệu quả các mô hình sinh kế của HVPN thiểu số 

Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững cho hội viên, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ ở huyện miền núi Hướng Hoá đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, đem lại hiệu quả, nhất là đối với vùng dân tộc thiểu số. Xây dựng mô hình sinh kế được coi là một trong những giải pháp tích cực, qua đó đã trao cơ hội thoát nghèo cho hàng trăm chị em phụ nữ vùng bản.

    Hình ảnh gặp gỡ người dân và tuyên truyền mô hình sinh kế

      Mô hình sinh kế của Hội Phụ nữ vùng dân tộc thiểu số Hướng Hoá được thực hiện cách đây khoảng 5 năm, trên cơ sở sự hỗ trợ của các dự án phi chính phủ về nguồn vốn đầu tư cũng như khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, với mức đầu tư ban đầu thấp nhất là 3 triệu và cao nhất là 18 triệu đồng. Từ hiệu quả của các mô hình điểm, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hướng Hoá đã nhân rộng ra trên khắp các xã vùng bản; hội viên dần dần nắm được kiến thức nên tự thiết kế các mô hình tiết kiệm, học hỏi khoa học kỹ thuật để đầu tư gia trại, trang trại khi các chương trình dự án đã kết thúc. Cho đến nay toàn huyện có hơn 135 mô hình sinh kế của hội viên phụ nữ, trong đó mô hình của hội viên người dân tộc thiểu số chiếm trên 71%. Các mô hình sinh kế này đa phần là đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Tiêu biểu có thể kể đến các mô hình: “Ngân hàng con giống” tại xã Thanh; chăn nuôi dê, nuôi gà ở các xã Húc, Hướng Lộc, A Túc, A Xing và xã Xy; chăn nuôi lợn bản ở xã Thanh, xã Xy; chăn nuôi bò sinh sản ở xã A Xing”; mô hình nuôi ngan ở xã Húc; trồng cây thanh long ruột đỏ tại xã Thuận...
       Để thực hiện có hiệu quả các mô hình sinh kế này, Hội Phụ nữ các cấp ở Hướng Hoá đã tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên mạnh dạn đầu tư để phát triển kinh tế, đặc biệt là tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát sản xuất theo hướng hàng hoá, có hiệu quả kinh tế cao. Hội Phụ nữ cũng đã tích cực phối hợp với các ban ngành liên quan, các dự án phi chính phủ để tập huấn khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi với phương châm “cầm tay chỉ việc” cho hội viên; tín chấp qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện về nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi cho hội viên. Ngoài ra, các mô hình tiết kiệm cũng đã được chị em phụ nữ vùng bản xây dựng và tổ chức hoạt động khá tốt. Qua đó chị em vừa tiết kiệm được nguồn chi tiêu trong gia đình, vừa có cơ hội vay vốn lãi suất thấp từ các tổ tiết kiệm để đầu tư các mô hình phát triển kinh tế. Cho đến nay, dư nợ vốn vay do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tín chấp tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hướng Hoá đạt trên 250 tỷ đồng, trong đó hội viên người dân tộc thiểu số chiếm khá cao. Trên 260 tổ tiết kiệm của hội viên phụ nữ có mức đầu tư hoạt động đạt từ 20 triệu đến 150 triệu đồng.
      Chị Hồ Thị Thanh Thuỷ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hướng Hoá cho biết: “Nhìn chung các mô hình sinh kế của chị em phụ nữ vùng dân tộc thiểu số đang trên đà phát triển khá thuận lợi, có thể tạo được cơ sở cho hội viên thoát nghèo, nâng cao thu nhập gia đình. Từ đây chúng tôi sẽ chỉ đạo nhân rộng thêm các mô hình tương tự, cố gắng làm sao giảm được hộ nghèo trong hội viên”.
       Hiệu quả từ các mô hình sinh kế của hội viên hội phụ nữ dân tộc thiểu số ở Hướng Hoá bước đầu đem lại kết quả đáng phấn khởi. Đây chính là động lực để chị em phụ nữ vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế. Kết quả này cũng đã tác động tích cực đến quá trình hoàn thiện tiêu chí xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở miền núi Hướng Hoá.

Quản trị viên
loading....