GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP CỦA HUYỆN HƯỚNG HÓA THEO HƯỚNG LIÊN DOANH, LIÊN KẾT, CHUỖI GIÁ TRỊ, ÁP DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CAO 

Theo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản huyện Hướng Hóa giai đoạn 2015 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả tiêu biểu.

Mô hình sản xuất giống cây trồng chất lượng cao

Tổng giá trị sản xuất 1.269,07 tỷ đồng, đạt 105,62% chỉ tiêu nghị quyết. Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp hợp lý; đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất; ổn định cơ cấu cây trồng, vật nuôi, có 04 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Chuyển đổi 454 ha đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cây phù hợp. Tập trung đẩy mạnh sản xuất, duy trì ổn định diện tích các loại cây trồng chủ lực, tổng diện tích gieo trồng 19.630,9 ha.

Mô hình chăn nuôi lợn 

Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, mô hình trang trại, gia trại gắn với phát triển kinh tế vườn đồi. Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 4.300 tấn/năm, đạt 104,1% nghị quyết.

Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng; bình quân trồng mới 351,56 ha rừng tập trung, đạt 70,3% nghị quyết và 18,88 vạn cây phân tán, đạt 188,8% nghị quyết; tỷ lệ độ che phủ rừng 47%, đạt 111,9% nghị quyết. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp vẫn còn những khó khăn như: Giá nhiều mặt hàng nông sản trên thị trường giảm sâu, sức ép cạnh tranh lớn, trong khi các mặt hàng nông sản của huyện chất lượng không đồng đều; một số mặt hàng thế mạnh của huyện như cà phê, sắn, chuối,... phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu. Chi phí vật tư, giống, nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào tăng nhanh; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến bất thường, cùng với dịch bệnh gia súc, gia cầm, cây trồng ngày càng gia tăng,... Từ đó đã dẫn đến năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất và giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp đạt thấp, tác động đến việc làm và thu nhập của nông dân. Việc kêu gọi thu hút đầu tư vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ chưa mạnh; việc phát triển nông nghiệp có quy mô vừa và lớn, liên kết, liên doanh trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế.

Trên cơ sở quan điểm, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2020 - 2025 của các văn kiện trình Đại hội, cùng với những đề xuất, tham luận của các ngành chuyên môn, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII xác định những giải pháp căn cơ tiếp tục phát triển ngành nông nghiệp theo hướng liên doanh, liên kết, sản xuất hữu cơ, áp dụng khoa học công nghệ đó là:

1. Tăng cường triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy Quảng Trị về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Xây dựng Đề án chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2021 - 2025. Phối hợp với Công ty Nafood Tây Bắc mở rộng diện tích chanh leo và xây dựng Nhà máy chế biến tại Quảng Trị.

Mô hình trồng thử nghiệm cây chanh leo

2. Rà soát lại các vùng chuyên canh tập trung; đẩy mạnh phát triển sản xuất, gắn với kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng mối liên kết bền vững với các doanh nghiệp, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người nông dân như sắn, chuối, cà phê, tiêu, chanh leo... Hình thành một số vùng chuyên sản xuất rau ở các xã Húc, Tân Liên, Tân Lập, bảo đảm vệ sinh an toàn thực thẩm. Phát triển diện tích trồng hoa, cây cảnh ở thị trấn Khe Sanh, Tân Liên, Tân Lập và Hướng Tân. Kêu gọi 2 - 3 doanh nghiệp đầu tư một số mô hình trồng rau sạch trong nhà kính, nhà lưới, mô hình trồng các loại hoa.

Sản phẩm từ măng

3. Kêu gọi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tổ chức mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng đầu tư thâm canh để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; gắn sản xuất với khai thác, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái. Tập trung chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, nhất là các giống mới có năng suất, chất lượng. Tìm tòi, nghiên cứu đưa vào sản xuất thử nghiệm các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Thực hiện nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả như mô hình nuôi bò nhốt, mô hình trồng cây chanh leo, mô hình trồng chuối tiêu hồng nuôi cấy mô, mô hình trồng cây dược liệu, mô hình trồng hoa, Sâm Ngọc Linh tại xã Hướng Phùng, kết hợp với du lịch tại Đèo Sa mù.

Duy trì diện tích các loại cây trồng chủ lực của huyện như: cà phê, cao su, hồ tiêu, sắn, chuối… Từng bước nghiên cứu đưa vào ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến nông sản. Xây dựng, quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông nghiệp. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã mổi sản phẩm (OCOP). Phấn đấu mỗi năm có 3 - 4 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên và đến năm 2025 có từ 15 - 20 sản phẩm đạt 3 sao và 3 đến 5 sảm phẩm đạt 4, 5 sao. Phối hợp với Trung tâm xúc tiến Thương mại tỉnh để tổ chức đưa các sản phẩm đạt OCOP của huyện vào chuỗi các siêu thị trên toàn quốc.

Sản phẩm chuối Hướng Hóa

4. Đầu tư, hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn sinh học, phù hợp lợi thế của từng vùng; chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc ở những nơi có điều kiện về đồng cỏ và đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường sinh thái. Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng hợp tác xã, trang trại, gia trại. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi và một số dịch bệnh khác có nguy cơ lây nhiễm cao. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi có quy mô lớn, chăn nuôi khép kín theo hướng hiện đại. Phấn đấu đến năm 2025 sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 5.500 tấn.

5. Phát triển ngành lâm nghiệp toàn diện theo hướng xã hội hóa nghề rừng; chú trọng công tác phòng, chống cháy rừng, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác, phá rừng trái phép, đẩy mạnh công tác giao khoán rừng cho cộng đồng quản lý, bảo vệ. Duy trì tỷ lệ độ che phủ rừng ở mức bình quân hàng năm là 47%.

6. Từng bước đổi mới, phát triển các mô hình hợp tác xã, liên kết sản xuất góp phần vào việc cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho Nhân dân, thúc đẩy hàng hoá phát triển. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt các nghị quyết Trung ương về kinh tế tập thể. Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của từng địa phương. Phấn đấu đến cuối năm 2025 có 20 hợp tác xã và 50 tổ hợp tác thành lập mới.

Quy trình chế biến cà phê

7. Huy động tối đa nguồn lực để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án về nông - lâm nghiệp. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống Nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025 có thêm 03 - 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 15 - 18 tiêu chí; phấn đấu có 05 - 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 02 - 03 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Có 09 - 12/36 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu; có 65/94 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 22/37 số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 1385/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nguyễn Đăng Thái
loading....