Phụ nữ vùng cao Hướng Hóa mở mang dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế gia đình
Huyện Hướng Hóa hiện có 18.350 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên với 11.561 hội viên.Trong đó, có 596 phụ nữ làm chủ hộ nghèo, chủ yếu sống ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước thực tế phụ nữ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận cách làm ăn cũng như những hỗ trợ cần thiết để phát triển kinh tế, những năm trở lại đây, các cấp hội phụ nữ tại huyện Hướng Hóa đã tập trung vận động, hỗ trợ để giúp hội viên đổi mới tư duy về làm ăn, phát triển kinh tế, chủ động tiếp cận các kiến thức về khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất phù hợp với đặc thù, lợi thế của từng địa bàn.
Cách đây hơn 10 năm, chị Lê Thị Thu từ Nghệ An vào lấy chồng, định cư tại thôn Xa Bai, một trong những thôn khó khăn nhất của xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa. Cuộc sống của gia đình chị Thu gặp nhiều khó khăn do chưa quen với cách thức sản xuất và không có vốn để làm ăn. Được sự hỗ trợ, động viên của các cấp hội phụ nữ, đặc biệt là từ nguồn vay tín chấp hơn 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay chị Thu đã cùng chồng gây dựng được cơ ngơi đáng kể với 6 ha tràm, 20 con dê, đào ao nuôi cá, trồng lúa nước, mỗi năm thu nhập trên 120 triệu đồng. Không những thoát nghèo, giờ đây mô hình kinh tế của gia đình chị Thu là địa chỉ để người dân trong vùng đến tham quan, học tập. Chị Thu chia sẻ: “Cuộc sống trước đây của chúng tôi cũng như hầu hết chị em ở thôn, bản gặp nhiều khó khăn. Sau khi được hỗ trợ từ Hội Phụ nữ xã, huyện, chúng tôi đã mạnh dạn vay vốn, học tập thêm cách làm ăn, cố gắng siêng năng trồng tràm, chăn nuôi, từ đó vươn lên thoát nghèo. Tôi sẽ cố gắng chia sẻ kinh nghiệm cho chị em trong bản, cùng vươn lên thoát nghèo để có cuộc sống tốt hơn.”
Đến nay, Hội LHPN huyện Hướng Hóa đã huy động nguồn vốn chính sách xã hội tín chấp cho trên 4.600 lượt hội viên phụ nữ vay hơn 170 tỉ đồng để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Trong đó, có gần 1.000 hội viên là phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Huy động các nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng các mô hình sinh kế với số tiền gần 700 triệu đồng. Cùng với đó là tranh thủ các nguồn để hỗ trợ, giúp chị em chủ động trong làm ăn, phát triển kinh tế, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi lợn nái, gà thả vườn, mô hình làm lúa nước. Vận động chị em tiếp tục tham gia trồng rừng để vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc.