Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng 

Hướng Hóa là huyện miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Trị, nơi có vị trí chiến lược quan trọng, mà ở đây còn có tiềm năng hào khí của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô mang họ Hồ của Bác, rất kiên cường, bất khuất, luôn đoàn kết đứng lên chống giặc ngoại xâm suốt quá trình mở đất và giữ đất. Bước ra khỏi chiến tranh trong cảnh hoang tàn đổ nát, ruộng vườn đầy hố bom, đạn pháo, cơ sở vật chất nghèo nàn, cơ sở hạ tầng thấp kém, đời sống của nhân dân vô cùng khó khăn, bệnh tật, đói, nghèo thường xuyên hoành hành, tỷ lệ nhân dân còn mù chữ khá cao; nhưng bằng sự nỗ lực phấn đấu, phát huy sức mạnh nội lực, huy động, tranh thủ sức mạnh ngoại lực, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Hướng Hoá đã đạt được những thành tựu đáng tự hào; đã không ngừng phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Nền kinh tế tăng trưởng khá qua từng năm, đời sống của nhân dân ngày càng chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn mới miền núi được khởi sắc.
Một điểm giao dịch tại địa phương của cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hướng Hóa
Một điểm giao dịch tại địa phương của cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hướng Hóa

Đặc biệt trong 5 năm gần đây, khi Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư ra đời đã tạo thêm động lực mới cho các xã vùng khó trên địa bàn huyện Hướng Hóa bắt tay vào công tác chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi; tạo ra sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế ở địa phương. Ðiều thể hiện rõ nét nhất là thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra; hầu hết các xã đều có đường giao thông cho xe cơ giới. Tỷ lệ học sinh mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở trong độ tuổi đến trường tăng lên rõ rệt. Ðến nay, đã có trên 90% số hộ sử dụng điện; khoảng 83,8% sử dụng nước sạch, nhiều xã đã xây dựng được chợ trung tâm.
Có được kết quả này, có một phần không nhỏ của sự chỉ đạo hiệu quả của lãnh đạo UBND huyện đối với việc thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW  trên chính mảnh đất quê hương. Nhờ quản lý và sử dụng tốt nguồn vốn chính sách xã hội hiệu quả mà đến nay tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 367,7 tỷ đồng, tăng165 tỷ đồng (tăng 81,4%) so với 31/12/2014, bình quân mỗi năm tăng 33 tỷ đồng;  doanh số cho vay đạt 482,7 tỷ đồng, với 15.325 lượt hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn đã được vay vốn. Trong đó: 6.241 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, thoát nghèo vay vốn, với số tiền 231 tỷ đồng; 4.455 hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn được vay vốn với số tiền 152 tỷ đồng để phát triển sản xuất; 771 lao động tạo được việc làm; hơn 644 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; đầu tư xây dựng 2.847 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; trợ giúp 624 hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố, thoát khỏi cảnh nhà tạm bợ, phát triển sản xuất, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện, đã giảm từ 40% đầu năm 2014 xuống còn 24,58% vào cuối năm 2018, trung bình mỗi năm giảm trên 3,0%.
Cấp uỷ, chính quyền địa phương đã coi công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên. Huyện ủy đã chỉ đạo HĐND, UBND, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện về việc triển khai công tác tín dụng chính sách theo nội dung Chỉ thị 40-CT/TW; UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo UBND xã, thị trấn tăng cường chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho NHCSXH đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp tốt với NHCSXH; đồng thời chỉ đạo NHCSXH huyện phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện cho vay các chương trình tín dụng trên địa bàn theo mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế có trọng tâm, trọng điểm và tập trung vốn cho vay những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Bên cạnh đó, là sự tích cực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cấp xã như: tạo điều kiện tốt nhất về địa điểm giao dịch tại xã, công tác an ninh trong những ngày giao dịch tại xã được hỗ trợ, tăng cường để đảm bảo an toàn tuyệt đối; điều tra, rà soát các đối tượng chính sách theo quy định, bình xét cho vay, kiểm tra giám sát, đôn đốc xử lý thu hồi nợ xấu. Do đó nguồn vốn ưu đãi đã được chuyển tải nhanh chóng đến đúng đối tượng thụ hưởng ở tất cả các thôn, xóm, đặc biệt tại những xã vùng sâu, vùng xa.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị 40-CT/TW trong cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên. Qua đó tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đối với công tác hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn vay; tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nhất là đối tượng chính sách hiểu đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc nâng cao đời sống, thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân với mục tiêu đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn vay, được cung cấp các sản phẩm, dịch vụ của NHCSXH; góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức, sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và Nhân dân.
NHCSXH huyện và tổ chức hội, đoàn thể các cấp thường xuyên phối hợp chặt chẽ với nhau trong quản lý vốn tín dụng chính sách, thường xuyên trao đổi, hướng dẫn các quy trình nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ủy thác. Thay đổi phương pháp tập huấn đối với cán bộ làm ủy thác, phân tích đánh giá những hạn chế để tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của tín dụng chính sách trên địa bàn và đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Việc uỷ thác một số nội dung công việc triển khai tín dụng chính sách cho 4 tổ chức chính trị-xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) được thực hiện trên cơ sở các văn bản thỏa thuận, văn bản liên tịch được ký kết giữa NHCSXH với tổ chức chính trị - xã hội các cấp, hiện nay, các tổ chức chính trị xã hội cấp huyện đang phối hợp với NHCSXH huyện tham gia quản lý 9.591  hộ vay với tổng số tiền 366,3 tỷ đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ cho vay tại NHCSXH tăng 168,6 tỷ đồng so với năm 2014 (+85,3%). Trong đó Hội Phụ nữ đang quản lý 152,4 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 41,6%), Hội Nông dân 124,3 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 33,9%), Hội Cựu chiến binh 46,9 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 12,8%), Đoàn thanh niên 42,7 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 11,7%). Thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn theo địa bàn dân cư. Tích cực vận động các tổ chức, cá nhân mở rộng các hình thức hỗ trợ, giúp cho Nhân dân có thêm nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, góp phần giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững; nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để người dân học tập, giúp nhau vươn lên thoát nghèo. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát đối với các hoạt động dịch vụ ủy thác của tổ chức chính trị xã hội, nhất là đối với tổ chức hội cấp xã, hoạt động của các tổ tiết kiệm vay vốn, hoạt động của NHCSXH tại địa phương đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo phục vụ sản xuất kinh doanh; đồng thời hướng dẫn người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và có trách nhiệm trả lãi, trả nợ đúng hạn.
Ngoài ra, công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trong các tầng lớp nhân dân đang ngày càng phát triển. Hàng năm, hội đoàn thể các cấp đã chỉ đạo xây dựng và đăng ký các mô hình, dự án gắn với chuyển đổi cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Trên cơ sở đó NHCSXH huyện đã xem xét, thẩm định cho vay đối với những dự án phù hợp, đảm bảo quy định.
Có thể khẳng định rằng, thông qua hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo một kênh dẫn vốn hữu hiệu, tin cậy đối với nhân dân, cấp ủy Đảng, chính quyền, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả vốn tín dụng chính sách, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với dịch vụ tài chính của NHCSXH một cách nhanh chóng, thuận lợi, an toàn, tiết kiệm thời gian, chi phí khi vay vốn; giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác và sử dụng vốn có hiệu quả, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện, ổn định cuộc sống vươn lên làm giàu.
Nét khởi sắc mới trên quê hương Hướng Hoá hiện hữu từng ngày kể từ khi huyện nhà bắt tay vào thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư, đó là kết quả của sự đồng sức, đồng lòng của cán bộ và nhân dân huyện nhà, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, động lực để Hướng Hoá tiếp tục phấn đấu hoàn thiện các chỉ tiêu, quyết tâm xây dựng bộ mặt huyện miền núi ngày càng giàu đẹp, văn minh, đúng như lời Cố Tổng Bí thư Lê Duẫn đã nói: “ Xây dựng Hướng Hóa thành một huyện miền núi kiểu mẫu”.

Quản trị viên
loading....